Đi bộ trong sân để xe trước nhà, chợt hắn nhớ dưới chân hắn ngày xưa từng tồn tại một cái bể nước ngầm. Cũng lâu lắm rồi từ ngày cái bể này bị lấp đi, chẳng biết sao hôm nay tự nhiên lại nghĩ về nó. Chắc giống các cụ trong một nhóm nào đó trên Facebook từng nói, ngày động tâm giờ động lòng nhớ về bể nước. Nên đành ngồi nghiêm chỉnh viết một cái sớ thật dài với chả chút màu sắc tâm linh nào để kể lể về em nó dâng lên blog VSPT vậy.
Đầu tiên hãy nói về nguồn gốc của cái bể nước này, trước khi nhà hắn về nhà mới bên Thổ thì cái bể ngầm này đã tồn tại rồi. Nó được chủ cũ xây trong một cái sân chung của hai căn nhà nằm trên cùng một khu đất. Hồi mới về hắn cũng không để ý nhiều tới cái bể này đâu phần vì còn bé và phần vì cũng không biết gì về nước nôi, chỉ tới vài năm sau đúng đợt lụt năm 2008 làm Hà Nội ngập từ ngã tư đường phố tới ngõ nhỏ sân nhà và bể ngầm bị nước ngấm vào thì hắn mới thực sự hiểu rõ về em nó từ trong ra ngoài. Bên ngoài em nó cao hơn mặt bằng sân khoảng một viên gạch đỏ, phần nắp có hình chữ nhật 60x80cm và có một tấm bê tông cốt thép lọt thỏm bên trong để che bên trên, có thể nhấc ra nhấc vào, tương đối nặng và dày. Sau này thì hai hộ làm thêm một cái nắp bằng inox sáng bóng bao ra bên ngoài để che chắn và đỡ vấp vào cạnh bể khi trời tối.
Nước cung cấp cho cái bể này thì không phải nước mưa hay nước giếng khoan giống các gia đình ở ngoại thành mà từ nguồn nước sạch của nhà nước. Hai đường ống từ hai cái đồng hồ cung cấp nước ngày đêm cho cái bể ngầm này, vì ngày đó nước sạch áp lực tương đối yếu và không phải lúc nào trong ngày cũng có, nên dù mở liên tục nhưng trong những năm tháng sử dụng bể ngầm hắn chưa bao giờ thấy bể bị tràn ra ngoài do nước vào nhiều hơn nước bơm lên cả. Từ cái bể này hai hộ gia đình bơm lên két nước trên sân thượng để dùng trong nhà và tiền nước thì tùy vào từng đồng hồ mà trả tiền, nhưng vì dùng chung bể ngầm nên cũng tương đương nhau, không hộ nào nhiều hơn hộ nào.
Ưu điểm của cái bể ngầm này là nó khá to, chiếm khoảng 1/3 cái sân của hai nhà và sâu cũng cỡ hơn 2m. Nên ngoài cái bể chứa inox trên sân thượng thì hai nhà có thêm một bình chứa phụ, dùng trong những ngày mất nước, một tình trạng cực kỳ phổ biến vào những năm 200x. Thời đó nước cung cấp theo giờ và có những thời điểm vài ngày không thấy nước về, nhà hắn lại nằm sâu trong ngõ ngách nữa, nên khi nước được cấp lại, các hộ đầu ngõ mở máy bơm đồng loạt là khu hắn tiếp tục “khát nước“. Chỉ đến mãi sau này, khoảng 201x gì đó, đường nước từ đầu ngách được làm lại, đồng hồ được thay mới thì tình trạng này mới cải thiện.
Ưu là thế nhưng cũng có nhược điểm, vì bể ngầm dù đã xây miệng bể cao hơn mặt sân nhưng lòng bể vẫn ngang cống và có những kẽ nứt li ti không thể nhìn thấy được trên thành bể. Nên khi Hà Nội mưa to thật to, sân thì ngập cống thì đầy ứ nước là bể có hiện tượng nước thoang thoảng mùi “hắc hoa thủy“. Những ngẫm lại thì nhà hắn cũng còn may mắn chán ra, hắn biết nhiều hộ cũng có bể ngầm nhưng lại không che chắn kĩ nên có lần đã được thưởng thức vị protein béo ngậy của ông cống sa vào chết trong đó. Mỗi lần bị ngấm nước cống vào như thế hai hộ lại phải mất công để thau.
Công cuộc thau bể này cũng thật lắm gian truân lận đận để mà kể lại. Đầu tiên phải khóa nước vào bình trên cao, rồi dùng máy bơm hút hết nước bẩn trong bể đổ đi. Sau khi nước trong bể đã chạm tới mức thấp nhất, tức là dưới vòi hút lên thì bắt đầu phải có một người chèo xuống để thực hiện việc thau rửa. Nhưng vì bể tương đối cao khoảng 2m, nên phải có một người ở trên để hỗ trợ đổ nước đi, thay khăn và kéo lên. Do không có thang nào vừa miệng bể, nên người xuống thường phải để một cái ghế nhựa cao, rồi thả người từ miệng bể tụt dần xuống cái ghế đấy. Cái ghế đấy sẽ giúp người xuống không bị trượt chân do thành bể trơn và khi leo lên có đà mà bám vào miệng bể. Sau khi xuống tới nơi, người ở trên sẽ đưa xuống xô, gáo và một cái khăn để người ở dưới múc hết nước còn lại trong bể đưa ra ngoài. Người ở trên sẽ nhận lại xô đầy nước và đưa xuống một cái xô rỗng khác để người ở dưới múc tiếp còn bản thân thì xách cái xô kia đi đổ xuống cống. Cứ luân phiên như vậy cho tới khi bể sạch nước và tới công đoạn kì cọ với lau chùi thành bể, ở giai đoạn này nước sạch sẽ được mở ra một chút để chảy vào rồi lại khóa để tráng lần cuối. Xong xuôi thì bắt đầu rút quân qua miệng bể. Một chập như thế tốn khoảng 30 tới 40 phút tùy vào độ bẩn của bể. Thường thì anh hàng xóm sẽ là người chui xuống và hắn là người ở trên hỗ trợ.
Rồi theo thời gian cái sự nhiễm bẩn của bể mỗi ngày một tệ và thường xuyên hơn, dù đã vài lần mời thợ về để tráng lại thành bể bằng xi măng, nhưng sự rò rì theo năm tháng cứ làm mỗi đợt mưa dù to hay nhỏ dù có ngập sân hay không thì nước đều có mùi và phải thau rất tốn thời gian và công sức. Thế là hai nhà quyết định bỏ bể và nối trực tiếp máy bơm vào từng đồng hồ nước. Rồi khi nhà anh hàng xóm sửa chữa lớn khoảng những năm 2014 gì đó, thì sân được nâng lên bằng với mặt đường và bể cũng được lấp đi. Từ đó dấu vết về một cái miệng bể từng tồn tại ở sân để xe hai nhà cũng biến mất chỉ còn lại một mặt phẳng gạch đỏ trơn tru mà thôi. Cho tới hôm lại, hắn lang thang thơ thẩn trong sân ngắm cây ngắm hoa qua đúng vị trí miệng bể ngày xưa và chợt nhớ về em nó, viết vài dòng coi như một ký ức về những ngày nước còn thiếu và yếu ở Hà Nội thời xưa.