Hồi ký

Áo trắng chẳng chính chẳng phụ

Tranh thủ chút tĩnh lặng đêm trung thu lại ngồi kì cọ gõ đôi dòng trên máy tính những thứ đã thấy tuần qua. Thú vị có buồn có hơi nản một chút cũng có ở viện.

Thứ mình cảm thấy hứng thú và được gặp nhiều nhất tuần qua chính là những cô gái áo trắng như trong ảnh mọi người ạ. Nếu nói các bạn ấy là nhân viên chính thức thì hoàn toàn không phải vì đâu có nằm trong quân số của viện nếu nói là phụ thì cũng chẳng đúng vì tần xuất tiếp xúc với bệnh nhân của các bạn ấy nhiều khi còn hơn cả điều dưỡng chính.

Các bạn ấy chính là những sinh viên năm 2 tới thực tập tại viện trong 5 tuần, là những bạn học viên đang thực hành để lấy chứng chỉ điều dưỡng trong 9 tháng, là những nhân viên đang trong thời gian thử viện trau dồi thêm kỹ năng nghề y….Mỗi cô gái thì lại đến từ một nơi khác nhau, có bạn thì là sinh viên của trường cao đẳng y tế Hà Nội, có bạn lại từ Học viện y học cổ truyền, có bạn thì là sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp Đại học Y cực kỳ đa dạng.

Lần đầu nhìn thấy các bạn ấy có thể nhiều người nhà sẽ ghét sẽ không khoái bệnh nhân “được” đo được hỏi được tiêm bởi những khuôn mặt non choẹt và dờ dờ chậm chậm như thế. Thậm chí có bác đã từng mắng nhiều nhóm bạn cứ tụ tập vây quanh một người nhà bác ý rất nặng lời, bác ấy muốn được bác sĩ chuyên khoa ra hỏi bệnh tình và cực kỳ không thấy thoải mái khi một vài bạn có động tác đo mãi mới ra được kết quả.

Có thể một vài bạn tiêm còn buốt lắm, lấy ven cũng chẳng chuẩn đâu, nhiều bạn còn bỡ ngỡ chưa biết chọc đâu cho đúng và phải đưa kim tới lui vài lần dưới da, có thể nhiều bạn hỏi nhiều ơi là nhiều lúc người bệnh mới vào, có thể nhiều đội còn sờ chân sờ tay nâng lên hạ xuống các phần của bệnh nhân mỗi sáng, có thể nhiều bạn còn đo đo, nhấn nhấn vài lần mới được phiếu điện tim chuẩn, có thể có bạn còn bóp bóp mãi mới ra được chỉ số huyết áp, có thể nhiều bạn còn đỏ mặt trước những câu đùa của các bác bệnh nhân già muốn hỏi vợ cho con trai, có thể nhiều bạn còn ngạc nhiên bối rồi khi lựa thuốc, phát thuốc và dặn bệnh nhân giờ uống thuốc mỗi buổi sáng……

Nhưng ẩn dưới tất cả những thiếu sót và non nớt đó là mong muốn mạnh mẽ trở thành một cô gái áo trắng giỏi nghề thành thạo kỹ năng và kiến thức để có thể chăm sóc bệnh nhân một cách tốt nhất. Mỗi câu hỏi về biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân đều được ghi chép cực kỳ cẩn thận và chi tiết vào sổ tay, mỗi khi điều dưỡng chính thực hiện các thủ thuật tiêm truyền đều được quan sát tỉ mĩ và nhớ nằm lòng, và điều mình thích nhất chính là thái độ khi tiếp xúc với bệnh nhân của các bạn ấy cực kỳ cực kỳ ân cần và dễ mến, giọng nói thì nhẹ nhàng không cáu gắt gọi dạ bảo vâng rất chu đáo và có tâm.

Quan sát các bạn ấy làm việc mới thấy thêm trân trọng ngành y hơn vài phần, có lẽ ở một vài nơi nào đó vẫn tồn tại những tiêu cực mà báo chí nhắc tới nhưng trên tất cả ở đây vẫn thấy được hình ảnh những cô gái mệt nhoài vì chưa quen trực đêm nhưng mỗi sáng đúng giờ vẫn vào phòng đo đường huyết cho bệnh nhân, hình ảnh những cô gái bỡ ngỡ trong lần đầu lấy ven, hình ảnh những câu hỏi quan tâm sâu sắc tới bệnh nhân khi nhập viện và hình ảnh đẩy xe thuốc xe tiêm cọc cạch dọc hành lang, ngó nghiêng vào từng phòng xem chai thuốc truyền đã hết hay chưa…..Mình cực kỳ khoái quan sát và ghi lại những khung hình như vậy đôi lúc có một vài tấm chưa được đẹp lắm nhưng đó là những hình ảnh thật nhất mà mọi người sẽ được trải nghiệm khi là một “khách hàng” ở đây.

Tương lai thì rất khó nói trước điều gì, một vài bạn sẽ theo con đường y nhân nhưng cũng có bạn sẽ rẻ sang một ngả khác trên con đường nghề nghiệp. Nhưng mình tin cho dù các bạn ấy có đi đường nào đi chăng nữa thì kỉ niệm đổi những năm tháng tuổi trẻ lấy các ca trực đêm mệt mỏi ca trực ngày căng thẳng sẽ là một kỉ niệm đáng nhớ mãi mãi chẳng bao giờ quên được trên đường đời. Và chắc chắn sẽ có một vài ca cấp cứu để lại trong các bạn ấy ấn tượng sâu sắc mãi không phai cho dù bao nhiêu năm đi nữa.

Cuối cùng chúc các cô gái đã đang đổi những năm tháng tuổi trẻ ấy ở viện một trung thu thật vui bên người thân nếu không phải trực, còn nếu phải trực sẽ là một đêm nhàn hạ nhất nhé.

Leave a Comment