Bơm vá

Tầm quan trọng của việc HỌC

Không biết mọi người nghĩ như thế nào về câu nói ở tiêu đề nhưng với riêng bản thân hắn, càng có tuổi càng thấy thấm thía việc này. Càng già càng hói, hắn càng nhận ra những thiếu xót về kiến thức mà khi còn trẻ chẳng bao giờ hắn mơ tới chứ chả nói đến nghĩ về. Thế nên bài bình loạn ngày hôm nay sẽ xoay quanh chủ đề này nhưng cũng lượn quanh một vòng cái đầu tóc thì ít mà kiến thức cũng không nhiều của hắn.

Khi còn trẻ dại và ngây thơ, hắn thường nghĩ bản thân rất giỏi rất tài và biết rất nhiều thứ mà người khác còn lâu mới sánh bằng. Nhưng theo những năm tháng của tuổi đời hắn chợt nhận ra thứ bản thân biết và hiểu nó bé đến mức đáng thương hại, thậm chí bé đến mức mà mùa đông ở miền Bắc cũng không thể làm cho nó ngắn lại với bé đi hơn nữa. Giống mô hình Dunning-Kruger, ở đoạn đầu thì não bé tí nhưng cái tôi và sự tự tin cao chót vót hay còn gọi là đỉnh cao của cái ngu, nhưng ở đoạn sau thì tụt nhanh như tụt quần khi não đã to lên chút và chỉ ở đoạn cuối khi não đã có chút kích thước thì mới tới được bình nguyên cân bằng của trí tuệ cùng sự tự tin.

Ngày còn làm trong lĩnh vực bơm vá, hắn may mắn được làm người quan sát trong những khóa học inhouse của các tổ chức lẫn những khóa public được tổ chức rộng rãi cho đội ngũ đã đi làm lẫn những người đang kinh doanh. Hắn thấy rằng ai cũng công nhận học hỏi là rất tốt, cần học hỏi thường xuyên và nên học hỏi để phát triển bản thân, nhưng thái độ đối với việc học thì lại rất khác nhau tùy vào từng đối tượng. Có những người thích học và đam mê nạp thêm tri thức dù khóa học đó họ phải bỏ tiền ra hay được đơn vị tài trợ. Có những người khác ở phía đối lập lại coi việc học là nơi tiêu bớt tiền của tổ chức và tránh những công việc hàng ngày như làm báo cáo cho sếp. Và có những người khá đông ở giữa hai thái cực đó, lượn lờ bên này và ngả nghiêng bên kia tùy vào nội dung đang trình chiếu trên màn hình lẫn khả năng dẫn giảng của diễn giả với giảng viên.

Với riêng hắn học là để bớt ngu, bớt tin và bớt ngờ vực. Đồng thời cũng để hiểu thế giới bên ngoài lẫn bên trong. Từ đó có những quan điểm mới lạ về kiến thức lẫn cách học.

Cụ thể thì xin phép trình bày chi tiết hơn ở bên dưới:

Đầu tiên ở vế bớt ngu thì đã có thời gian hắn luôn luôn nghĩ mình là thiên tài nhưng thực ra thiên tai mới là từ đúng dành cho bản thân, từ cách thức học tới cả phương án vận dụng vào thực tiễn. Nên nhờ đọc và nghe, hắn dần biết thiên tài không phải đâu đâu cũng có, nó là số ít hiếm như lá mùa thu và bản thân thì khó mà có thể xếp vào danh sách này. Rồi thì có một vài kiến thức rất hay rất hữu ích, nhưng cái đầu mít đặc của hắn thời đó nghĩ rằng ta đây cần đếch gì biết những thứ đấy, thậm chí còn bỏ ngoài tai một vài lời khuyên bổ ích. Tỉ dụ như triết học, hắn cá phải một lượng lớn người cười cời thậm chí lấy vài câu trong sách ra làm câu trêu đùa khi lần đầu tiên tiếp xúc với nó trong đời, nhưng rồi già đi với thật nhiều chuyện xảy ra trong đời, bỗng một ngày trong một buổi chiều nào đó ta vô tình va đầu vào triết một lần nữa và chợt nhận ra mềnh hồi đó có vẻ hơi NGU.

Học tập giúp hắn nâng tầng tư duy phản biện trong một xã hội ngập tràn thông tin cả thật và cũng thiệt nhiều những thông tin đểu. Nhờ đó hắn bớt tin vào những thứ bản thân chưa trải nghiệm lẫn kiểm chứng đủ hay nói một cách dân dã với ngôn ngữ trên mạng là “Phát Chếc”. Chưa kể tới việc với sự giúp sức của AI, các thông tin lẫn hình ảnh ngày nay tôn hành giả giả hành tôn một cách vô cùng tinh vi, nếu không tự trang bị cho bản thân những rào cản và lớp giáp bảo vệ thì rất dễ bị xỏ mũi dắt đi như bò. Và để làm được điều đó chỉ có tự học tự ngẫm tự suy và tự kiểm tra lại bất kỳ thứ gì ta tiếp xúc mỗi ngày trên không gian ảo này. Hắn thích một thuật ngữ trong ngành an ninh mạng đấy là “zero-trust”, bạn có thể hiểu nôm na là không tin tưởng bất cứ một thứ gì dù bên ngoài có cái mác nghe sang chảnh hoặc đáng tin cậy tới mức nào mà cho vào bỏ qua khâu tầm soát. Nghe hơi quen quen đúng hông? Làm gì mà chả quen khi mà giờ một mét vuông trên mạng xã hội có tới vài vị bác sĩ, dược sĩ, thần y, chuyên gia, nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ, học giả, hành giả, tôn sư…

Ở phía đối lập hoặc cũng có thể nói một cách khác là tương hỗ với bớt tin là bớt ngờ vực. Nhờ học hắn bớt nghi ngờ một cách vô căn cứ, thậm chí phải dùng từ cực đoạn hơn đó là mất niềm tin hoàn toàn. Hắn biết rằng học không chỉ ấm cho bản thân mà còn để ấm lâu dài cho cuộc đời, câu này hắn mượn lại và chế cháo một chút từ một câu nói vui trên mạng. Nhưng thực tế là nó khá đúng dù trong thời đại nào đi chăng nữa. Tất nhiên một vài những bài viết lẫn báo đài lâu lâu lại có một tít kiểu “tiến sĩ bán trà đá”, “thạc sĩ chạy grab” hay “giáo sư làm shopee” làm chúng ta hơi nghi ngờ và có chút lung lay về tầm quan trọng của kiến thức trong thời đại ngày nay. Nhưng nhờ học hắn giữ được niềm tin và bớt giao động trước những cơn bão tiêu đề như thế. Mỗi một kiến thức được đưa vào đều có một lợi ích nào đó có thể thấy ở ngay hiện tại hoặc cũng có thế phát huy ở một tương lai rất xa, nên hắn đều rất trân trọng. Tất nhiên mỗi người một quan điểm, có ai đó sẽ phân loại kiểu kiến thức này là rác kiến thức kia là kho báu, nhưng rác nhiều khi cũng là một nguồn tài nguyên trong thời hiện đại mừ ☺ nhiều người còn trở thành triệu phú tỉ phú rác thì sao.

Thế giới bên ngoài nên học mà vũ trụ nội tâm cũng cần được quan tâm nhất là trong một xã hội bận rộn, điên loạn và khủng hoảng như hiện tại. Nhờ học hành hắn biết thêm về bên ngoài với thật nhiều lĩnh vực xa lạ nhưng hay ho và cũng hiểu dần về bên trong với những suy nghĩ cảm xúc phức tạp khiến con người ta muốn điên đầu khi ngẫm về. Thú thực giai đoạn trước tết tây năm ngoái, hắn khá áp lực với thật nhiều những suy nghĩ tiêu cực và cảm xúc hỗn loạn. Hậu quả thì cũng đã viết sơ sơ ở mấy bài viết trước rồi nên hôm nay không nhắc lại nữa, chỉ biết rằng nhờ học, đọc và viết hắn cảm thấy nhẹ nhàng và an yên hơn rất nhiều. Thế nên nếu không tìm hiểu và ngẫm nghĩ về bên trong, hoặc bỏ qua, hời hợt về những vấn đề nội tâm, chỉ quan tâm tới thế giới kiến thức bên ngoài thì đến một giai đoạn nào đó trong đời, bạn sẽ tự nhiên hoặc ngẫu nhiên chả muốn gì hoặc tệ hơn chỉ muốn reset. Đoạn này có lẽ sẽ hơi tâm linh và huyền bí một chút do gần đây hắn có nghe và đọc vài cuốn sách liên quan đến tôn giáo nên giọng văn sẽ có phần hơi hơi mộng mị và xa xăm khi diễn giải. Ai hiểu thì hiểu mà ai chưa thông thì cứ từ từ vì biết đâu đấy như đoạn trên đã nói, vào một thời điểm nào đó trong tương lai bạn lại thấy nó có vẻ cũng hợp lý.

Từ mấy cái lý do lý trấu kể trên về tầm quan trọng của việc học, hắn thấy rằng khi học thì nên:

Coi học tập là một hành trình suốt đời tựa như ăn uống ụ ị 💩 chứ không phải một sự kiện nhất thời, xong rồi thôi và không bao giờ lặp lại nữa. Có một nghiên cứu của đội ngũ học giả ngủ dưới chân cầu chỉ ra rằng, kiến thức sẽ lạc hậu dần sau mỗi 6h30 tối. Thế nên cứ hết 24h thì kiến thức ngày hôm qua đã có xu hướng không còn phù hợp và tốt nhất nữa, việc duy trì làm mới hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng là cần thiết để không rơi vào vòng xoáy của cái sự tưởng sự ngỡ rằng ta biết nhiều lắm nhưng toàn thứ lắm của thời Napoleon 🙂

Như một khóa học nào đó trên mạng họ nói rằng ngày nay con người luôn cần học lại, học thêm và bỏ bớt(dịch ngu từ reskill, upskill and unskill). Về cơ bản nghĩa là sau mỗi một khoảng thời gian chúng ta cần nhắc lại những kiến thức, kỹ năng đã quên, nâng cao một vài thứ thuộc về thế mạnh và có không gian phát triển. Và tất nhiên bỏ bớt những thứ đã quá cũ, lạc hậu không còn phù hợp với thời đại nữa. Làm như vậy kiến thức sẽ mãi là kiến thức xanh không phải một mảng đất khô khan, cằn cỗi và chết chóc đến cỏ cũng chẳng thể mọc.

Hắn đã từng có một bài viết kiểu khi học trò sẵn sàng người thầy sẽ xuất hiện. Nói về việc ở bất kì nơi nào trong xã hội đều có người đáng để cho ta học hỏi, dù người đó có làm bất kì ngành nghề gì, đang ở địa vị cao hay thấp, già hãy trẻ, trai hay gái, tây hay ta, giàu hay nghèo thì đều có một thứ kiến thức nào đó để trao cho bộ não chúng ta. Thế nên hãy trân trọng và dành những ngôn từ phù hợp nhất cho các thầy các cô khi thời điểm đó đến. Hắn biết ngoài kia có rất nhiều cá nhân thường tỏ ra kinh ghét hoặc coi rẻ những người thấp hơn mình về một yếu tố nào đó như tài sản, bằng cấp, chức danh hay số năm tháng trong cuộc đời. Nhưng điều đó thật đáng tiếc làm sao vì như đã nói ở ngay đoạn trên, món quà kiến thức trong cuộc sống đôi khi ẩn giấu trong những hình hài nhiều khi bình thường tới mức không thể bình thường hơn.

Chưa kể tới việc học ngày nay thật dễ dàng với mạng internet và đặc biệt là sự phát triển của AI. Bạn có thể học tại nhà, thực hành tại mọi nơi và quan trọng nhất có thể trao đổi với một bộ óc siêu thông minh được cấu kết từ hàng ngàn máy chủ với cạc đồ họa siêu đắt tiền với mức chi phí siêu phù hợp, thậm chí là miễn phí. Nhưng cũng đặt ra những thách thức về lựa chọn vì không phải kiến thức nào cũng chuẩn, cũng phù hợp. Thế nên trước khi dùng AI hãy mài sắc lưỡi gươm năng lực phản biện bạn nhé, để không bị AI nó trả lời “Đoạn thông tin tao vừa cung cấp cho mày là tao bịa đấy, xin nhỗi được chưa😎”

Thế nên hãy học mãi học mãi và học đến lúc chuyển server khác bạn nhé!

Leave a Comment