Cũng gọi là có vài năm làm trong ngành bơm vá. Gặp đủ hình thức học viên khác nhau, có người trẻ người trung tuổi, người giàu người trung lưu, công nhân, doanh nhân, trí thức… Thì hắn nhận ra một thứ nho nhỏ, hướng dẫn cho người có tuổi đặc biệt là người từ 65 tuổi đổ lên đặc biệt khó và cần một sự chú tâm vô cùng lớn.
Mà trong cuộc sống, việc bạn phải hướng dẫn cho ông bà cha mẹ, thậm chí là một vài người cao tuổi bạn vô tình gặp trong đời, nhờ bạn làm hộ hoặc chỉ dẫn cho một chuyện gì đó là chuyện vô cùng thường xuyên, nếu không muốn nói là càng ngày càng phổ biến do tốc độ già hoá dân số, do công nghệ biến đổi quá nhanh và cũng do bản thân bạn muốn làm một chút việc tốt mỗi ngày.
Lý do tại sao lại khó thì nguyên nhân chính là tuổi tác và sức khỏe khiến não bộ xử lý thông tin chậm hơn người trẻ khá nhiều. Cộng thêm việc, ở thế hệ của họ rất nhiều thứ chỉ có trong phim viễn tưởng, chưa từng được sờ được thử thì nói gì đến trải nghiệm để mà có kinh nghiệm dùng đâu cơ chứ. Rồi thì công nghệ mỗi ngày một biến đổi với tốc độ chóng mặt, với người bình thường ít tiếp xúc với công nghệ thì việc cập nhật những thứ đó đã là chậm rồi, còn với người cao tuổi thì còn chậm hơn rất nhiều. Nhiều thứ họ tưởng là vẫn còn tồn tại thì thực ra đã bị bỏ quên và chả ai dùng từ lâu rồi. Nhiều thứ họ tưởng là chưa có thì đã xuất hiện và dùng thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày.
Nên là bài viết này, hắn muốn dành một chút trải nghiệm của bản thân kết hợp với tí chút kinh nghiệm về bơm vá để đưa ra vài lời khuyên giúp bạn hướng dẫn người già dễ hơn, vui hơn và thú vị hơn.
Đầu tiên không bực, không quát tháo nạt nộ là chìa khoá quan trọng nhất giúp người già có thể tiếp thu được những gì bạn hướng dẫn. Mà chả riêng người già, đến cả bọn trẻ con hay người trưởng thành mà bạn vừa quát tháo, chửi bới thậm chí ĐC ĐMM thì chả có ai có thể học hành, tiếp nhận kiến thức một cách ngon nghẻ cả. Thế nên việc đầu tiên cần làm ngay đó là giữ cho bản thân một tâm thái bình thản, nhẹ nhàng và trìu mến khi hướng dẫn cho người cao tuổi bạn nhé.
Thứ hai đó là kiên nhẫn tỉ mỉ từng chút một. Với người trẻ việc nhồi kiến thức, hướng dẫn tốc độ cao hay phi bay bay qua phần thực hành là chuyện cực kỳ ngon ăn. Nhưng với người già việc đó khá khó, bạn phải đi từ từ từng chút một, và với mỗi một phần hướng dẫn cần tỉ mỉ và chăm chút hơn gấp đôi so người người trẻ. Chậm mà chắc luôn đúng trong trường hợp này, đừng vội vàng hấp tấp mà bỏ qua những thứ cơ bản, vì người già chỉ cần lạc một nhịp là họ chịu không thể nắm bắt được phần còn lại của những việc đang được chỉ cho rồi. Nên cứ từ tốn, nhẹ nhàng tình cảm, lâu một tí những được việc bạn ạ.
Tiếp nữa có tâm ♥ một chút nhưng tách riêng ra đừng đứng gần chữ ở trên quá là thành nhẫn tâm đấy 🤣. Việc hướng dẫn cho người già đặc biệt là ông bà cha mẹ cần một cái tâm khi thực hiện. Vì chuyện chỉ 2 quên 3 là việc hết sức quen thuộc. Vậy nên đặt cái tâm vào việc này sẽ giúp bạn thoải mái về mặt tâm lý hơn, bớt giận hờn vô cớ và yêu thích việc này hơn. Hình như đâu đó trên mạng có chế câu chuyện của Qua trên máy bay với câu chốt đầy kinh điển ở cuối, thì ở đây cũng vậy thôi
"Làm gì thì làm cái TÂM là trước hết nha cháu" - Qua said
Đơn giản hoá tối đa ngôn từ và các bước thực hiện một việc gì đó là một phần quan trọng không kém các thứ trên trong việc hướng dẫn thành công cho người già khi tiếp xúc với một thứ gì mới. Lý do là nhiều từ ngữ lai căng, kết hợp tây tàu như kiểu cẩu lương, data, AI chẳng hạn, bạn có dùng tới thì người già cũng chả hiểu đâu. Do đó cứ đơn giản những từ định dùng, càng dân dã càng tốt, thậm chí càng cổ lỗ sĩ càng ô sờ kê. Mục tiêu cuối cùng là người già biết cách dùng cái thứ bạn đang hướng dẫn.
In những bước cần thực hiện đã nói ra giấy, là một phương pháp khá ổn áp để giúp ghi nhớ những thứ bạn đã hướng dẫn, nhớ in font chữ thật to và rõ nét, tránh những font nhìn đẹp nhưng khó đọc nhất là với mắt của người cao tuổi. Nếu người già vẫn có thể cầm bút và ghi chép, thì tốt nhất là để họ tự ghi là ngon lành nhất. Vì khi ghi chú các bước cần thực hiện, não bộ sẽ kết nối bền chặt hơn, giúp người già có thể nhớ lâu nhớ nhiều, mà chả nhớ thì sau này quên lại mở phần này ra đọc lại.
Làm mẫu, làm mẫu và làm mẫu thật nhiều sẽ giúp người già hình dung và hiểu được một cách rõ ràng nhất những bước đã được hướng dẫn bằng lời trước đó. Nếu như với người trẻ việc làm mẫu tới lần thứ 2 đã quá nhiều thì việc làm mẫu chục lần với người cao tuổi vẫn là ít. Ngoài ra việc làm mẫu này còn giúp bạn nhận ra có những thứ bạn nói trước đây hơi xa lạ và không hợp với ngôn ngữ của người già, thì bây giờ bạn có thể chỉnh sửa lại để dễ hiểu hơn và dùng thêm những động tác không lời để làm mẫu.
Thực hành và nhắc thực hành thường xuyên là lời khuyên cuối cùng mà hắn muốn gửi tới bạn. Trong đào tạo có một lý thuyết được gọi là đường cong quên lãng, cơ bản là nó nói rằng cứ sau một khoảng thời gian nhất định 1 ngày sau, 3 ngày sau, 1 tuần sau và 1 tháng sau thì những gì người trưởng thành được học sẽ bay màu dần hay nói một cách dễ hiểu là chữ trả lại thầy 😅 Vậy nên thường xuyên nhắc người già thực hành lại những bước mà bạn đã dạy, thậm chí hướng dẫn thêm, chỉ bảo lại những điều đã vô tình quên giúp người nhà thành thục hơn việc sử dụng một thứ gì đó mới. Việc nhắc nhở này cũng nên ngọt ngào, nhẹ nhàng và thực sự mang tính nhắc vu vơ chứ đừng quá nặng lời, chỉ trích hay chỉ thẳng vào vấn đề là QUÊN, vì nó dễ làm người già suy nghĩ, tổn thương thậm chí là quên nhiều hơn.
Vĩ thanh, dù bạn có cố gắng tới đâu, thì vẫn sẽ có phần trăm việc hướng dẫn thất bại hoàn toàn, người già bó tay không thể dùng được một thứ gì đó. Thì hãy cười thật tươi 😄 và kệ nó bạn nhé. Đó là việc quá nhỏ để mà bận lòng, vì dù sao bạn đã cố hết sức, làm hết cái tâm nhưng hiện trạng không cho phép thì bỏ qua thôi. Biết cách dùng thêm một cái, chưa chắc đã vui đã giá trị bằng việc trải nghiệm quá trình hướng dẫn cách sử dụng cùng người thân trong gia đình mà bạn đã thu được từ cả quá trình bên trên đâu.
Xin chào và hẹn gặp lại bạn ở những chủ đề khác của bơm vá nha.