Bơm vá

Học viên những nốt nhạc trên khung

Có lẽ học viên là một trong những mảng đề tài khó nói nhất nhì của bơm vá sau vấn đề ngân sách, nhưng đã nói tới thì vô cùng thú vị và đem lại nhiều sự hấp dẫn riêng. Ở đây hắn rất thích liên tưởng học viên như những nốt nhạc trong một dòng, trong một khung và trong một bài hát nào đó. Mà khi được sắp xếp một cách hợp lý, bài ca bài nhạc đó sẽ hay và đưa tới những cung bậc cảm xúc khác nhau cho người làm bơm vá tổ chức nói chung hay giảng viên nói riêng.

Nhưng không phải nốt nhạc nào cũng đem tới những cảm xúc tích cực, có những nốt trầm đem tới cho người làm bơm vá những cảm xúc tiêu cực thật chí rất rất tiêu cực. Thế nên hôm nay hắn sẽ giới thiệu với bạn hết những nốt nhạc đó, kể cả những nốt thăng tươi đẹp lẫn những nốt nhạc tối màu, để bạn có thể hình dung liên tưởng lẫn cảm nhận sâu sắc những cảm xúc của người làm bơm vá phải trải qua. Đó là cảm xúc vui bay bổng 👻, tự hào và nhiều động lực trong công việc hàng ngày. Nhưng cũng có lúc là những cảm xúc buồn, ngơ ngơ và mất phương hướng hay chính xác hơn là chán người chán đời chán học viên😣

Nào hãy bắt đầu với những nốt đẹp trước nhé:

Đó là những nốt nhạc ham học, tham tìm hiểu và vô cùng thích thú có thêm những kiến thức mới, Những nốt này khi đã ngân lên thì khiến người làm bơm vá lẫn giảng viên đang giảng dạy đều có hứng thú để chia sẻ. Nhưng nốt này lúc nào cũng tràn đầy sự tích cực, ít chê ít phàn nàn và luôn trong một tâm thái mở khi đón nhận một điều gì mới. Khỏi phải nói bài nhạc nào có nhiều nốt này thì thành công, hay hiệu quả của một khóa học có lẽ là điều đương nhiên phải tới. Chưa kể sự kết nối và ứng dụng những thứ được truyền tải sau khóa học cũng vô cùng lâu và xa như tiếng vọng của âm thanh vậy. Nói chung yêu thương là từ mà hắn dành riêng cho những nốt nhạc này.

Đó là những nốt nhạc khá cá tính và ngang tàng. Tại sao hắn lại xếp thứ này vào phần những nốt đẹp, thì với quan điểm của riêng hắn có những nốt thực sự có thực lực và thông minh, họ được quyền và nên phản biện với những gì tiếp nhận. Điều này rất tốt và làm cho lượng kiến thức được truyền tải trong một buổi học tăng lên rất nhiều. Tốt cho họ, tốt cho giảng viên và cũng tốt cho cả những nốt nhạc khác đang tham gia trong bản nhạc ấy khá nhiều. Những nốt nhạc này đem tới cho hắn sự khâm phục vì những mô hình, cách triển khai và khối lượng đồ sộ kinh nghiệm mà họ mang theo mình, thậm chí nếu không muốn nói là nhiều nốt còn uyên bác hơn cả giảng viên đang đứng trên bục luôn ý chứ. Nhưng ở phía ngược lại, cà rốt mà khoái thể hiện thì khá là nguy hiểm và đáng sợ, hắn sẽ dành một chút thời lượng của bài viết để nói ở phần dưới.

Đó là những nốt nhạc mà chia sẻ rất nhiều, chia sẻ những trường hợp thực tế đang diễn ra để cùng thảo luận, chia sẻ những cách giải quyết riêng dù chưa phải là tối ưu nhất nhưng là chân thực nhất, chia sẻ về những câu chuyện cá nhân nhưng gắn liền với những chủ đề đang được truyền tải. Những chia sẻ đó có thể là những nụ cười với những câu chuyện vui những cách giải quyết sáng tạo, có thể là những cái lắc lư tư lự với câu chuyện ý nghĩa và có thể là có cả những giọt nước mắt cay cay rơi ngay trong buổi học với những câu chuyện buồn. Nhưng nốt nhạc này có thể khiến hắn nhớ rất dai, nhớ cả tháng trời dù trong thời gian đó đã diễn ra vô số lớp học khác.

Đó là những nốt nhạc sôi nổi, vui tính và sẵn sàng tham gia mọi thảo luận, thử thách lẫn những trò chơi diễn ra trong lớp. Nhưng nốt nhạc đó giúp buổi học bớt nhàm chán, truyền động lực cho người khác và giúp những nốt khác hiểu và sẵn sàng hơn trong việc ứng dụng những thứ đang được nói đến trong slides. Có thể nói nhưng nốt nhạc này là phần cực kỳ quan trọng tạo nên một bản nhạc học tập thành công và hiệu quả. Họ có thể không quá thông minh nổi trội như nốt cá tính, cũng không phải dạng người thèm khát kiến thức như nốt đầu tiên hay là thuộc típ người chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị như nốt trên, nhưng họ lại rất rất nhiệt tình với thầy với lớp, với đồng nghiệp và những hoạt động đang diễn ra. Nếu có một lời cảm ơn dành cho những nốt nhạc, thì đây là nốt mà hắn muốn cảm ơn nhiều nhất và mong lớp nào cũng có họ ngân vang.

Đi kèm nhưng nốt nhạc làm người ta thêm động lực để tiến về phía trước thì cũng có nhưng nốt nhạc kéo tụt người ta lại đằng sau, và đây là khu vực để kể về những nốt như thế:

Quá bận rộn và không thể để tâm vào lớp học là những nốt buồn đầu tiên mà hắn muốn nhắc tới ở khu vực này. Thực sự thì những nốt này khá phổ biến trong thời đại ngày nay. Nghỉ một ngày để đi tham gia khóa học là một thứ xa xỉ nếu không muốn nói là cần sự phối hợp rất lớn của bản thận họ lẫn của sếp to, sếp trung và cả sếp trực tiếp nữa. Còn không thì chuyện đi học thì cứ đi học, việc giao ra vẫn cứ phải hoàn thành nhé nhân viên thân iêu. Từ đó dẫn tới chuyện những nốt nhạc này quá bị phân tâm khi vừa phải nghe thầy giảng vừa phải giải quyết những sự vụ hàng ngày. Mà bạn biết rồi đấy, làm nhiều việc cùng lúc như vậy thì khó mà có thể hiệu quả 100% được. Có vài giải pháp, một vài đơn vị quy trách nhiệm cho quản lý trực tiếp, nếu để tình trạng nhân viên vừa đi học vừa làm việc tại phòng ban thì đánh tụt kpi về mảng giao việc của sếp trực tiếp. Còn một vài đơn vị khác thì sống chung với lũ, có nghĩa là vừa học vừa làm hoặc hạn chế tới mức tối đa kiểu, ai có việc thì ra hành lang giải quyết (nghe điện thoại, gõ mail…) rồi lại vào. Nhưng thực tế thì rất khó để kiểu làm nửa vời này hiệu quả.

Có những nốt nhạc chống đối vì lợi ích nhóm khi tham gia vào một buổi học mà do người tổ chức không phải là phe bên ta. Oa 😮nốt này nghe quen không ta, có giống giống ở đâu không nhì. Chắc là bạn cũng không ít lần gặp rồi chứ. Nếu có thì cùng cười và lắc đầu ngao ngán mà thôi. Những thứ thuộc về đấu đá kiểu này rất khó giải quyết nếu không có sự gật đầu và ĐIỀU CHỈNH từ trên đỉnh (trong trường hợp cái đỉnh mong muốn thực hiện). Còn bạn á đừng dại mà dây vào rât dễ phản dame không lần quay lại tổ chức khóa học đâu. Đặc điểm nổi bật của những nốt này chê bất kể lý do, chê từ chỗ gửi xe đến chê teabreak, chê khách sạn màu sơn xấu lẫn phòng học không hợp phong thủy và tất nhiên giảng viên auto được chê kèm một hàng dài nhận xét vu vơ dính vào như là điều hòa hơi ồn không có lọc bụi mịn đề nghị giảng viên điều chỉnh từ buổi sau 😂 Nghe vô lý nhì, ấy thế mà lại có đấy, mà lại có rất nhiều với những công ty đặc thù bang hội <– nói lái nói tránh tí tẹo. Sau chê có lẽ là tỏ thái độ rõ ràng là không muốn học và cũng không muốn tham gia bất kỳ hoạt động nào trong lớp, mọi thứ diễn ra ở đây là tốn thời gian và phí tiền. Cách xác định nhóm nốt nhạc này không khó, vì cùng một chủ đề, cùng một giảng viên nhưng do phe ta tổ chức thì thái độ của họ quay ngoắt 180 độ khen hết lời, khen nhiệt tình và tham gia như chưa từng được tham gia bất kỳ lớp học nào trong đời. Nghe kể thôi đã thấy rầu lòng bạn nhì😅

Có những nốt cũng biểu hiện gần giống như trên, nhưng mục đích của họ không phải là phe ta phe mình mà đơn giản là họ không thích học hoặc đang bị ép đi học bởi cấp trên, hoặc cũng có thể họ chưa thấu hiểu hết việc bơm vá này mang lại lợi ích gì cho bản thân nên là không khoái, mà ở người trưởng thành đã không khoái là thể hiện ra mặt luôn, không có kiểu học sinh ngoan đạo đức tốt sẵn sàng an phận đâu. Nhưng điểm khác biệt rõ nhất so với nhóm nốt trên là ở nhóm này bạn hoàn toàn có thể chuyển đổi và biến họ thành một nốt nhạc tốt nếu truyền thông rõ ràng và làm công tác tư tưởng ổn từ trước. Với nhóm trước thì no-hope còn với nhóm này, nhiều khi nguyên nhân họ chưa khoái đôi khi chỉ là sự sai lệch thông tin được truyền đạt hoặc là chưa hiểu rõ lợi ích khi tham gia. Ví dụ nhỏ ở một khóa hắn đã từng gặp khi phải nhận tổ chức, một học viên lên nói với thầy “thầy ơi em có vô văn hóa đâu mà phải học lớp khai tâm về văn hóa” hoặc “nhìn tiêu đề lớp này chỉ dành cho người mới, chứ chúng em già khú rồi cần gì học nữa”. Rõ ràng là sự không khoái ở đây đến từ việc hiểu sai tiêu đề của khóa học dẫn tới những mâu thuẫn không đáng có, nên cách xử lý cực kỳ đơn giản, chỉ cần vài câu trao đổi thẳng thắn mọi sự đã ok. Tất nhiên là nếu ban tổ chức làm tốt công tác truyền thông từ trước thì việc không khoái này sẽ không diễn ra đâu.

Có quan hệ vô cùng dây mơ rễ má, mà muốn tìm hiểu rõ phải đi nghe hết các thể loại nhạc trong tổ chức mới gọi là tường tận một tí xíu là loại nốt nhạc khiến hắn đau đầu nhất khi nghe. Mà thường những nốt có quan hệ kiểu này lại rất thích thể hiện và trưng bày ra sự quan trọng và nguy hiểm khiến người ta không thể không lưu tâm. Mà ác cái là những nốt kiểu này lại không có những chức danh cụ thể được ghi nhận trong tổ chức và danh sách học viên, khiến cho việc nhận định càng khó khăn hơn. Mà với những nốt này chỉ một bước không cẩn thận thôi có thể khiến kéo hỏng cả một bài nhạc bơm vá được đầu tư công phu và kỹ lưỡng. Nốt này có thể có những cái tên rất đáng lưu ý như “vợ sếp”, “cháu trưởng phòng”, “lái xe cho lãnh đạo”, “họ hàng của ông A, hội đồng thành viên”… Lời khuyên của hắn là quan sát và để ý những dấu hiệu bất thường từ những nốt này, tốt nhất là có sự chuẩn bị từ những thông tin bên lề trước đó là tốt nhất, kiểu ghi luôn một cái note nhỏ vào công tác trước khóa học “khóa này có học viên Y – quan trọng đấy, chăm sóc kỹ chút nha ☺”.

Có nhưng nốt thể hiện sự giận hờn vu vơ và giận lây sang cả khóa đào tạo. Sự giận hờn này tới từ muôn ngàn lý do chả liên quan gì đến cái sự bơm vá như tụt giảm lương, chuyện tình cảm chưa được như ý, sự nghiệp không được hanh thông, sức khỏe có vấn đề hay đơn giản là tối hôm trước vừa trượt con lô…. Từ sự giận hờn vu vơ đó, họ dần coi khóa đào tạo trở thành một địa điểm để xả, để trút giận, để mà giảm stress. Dẫn tới việc cãi nhau, mâu thuẫn, thậm chí là căng thẳng không đáng có ngay trong lớp học. Bạn đơn giản có thể báo người quản lý cấp trên để xử lý vấn đề này ngay và luôn hoặc chọn cách tâm sự giúp những nốt này xả từ từ mà không ảnh hưởng tới chất lượng buổi học lúc nghỉ giải lao, nghỉ trưa, cũng như không làm họ bị quở trách và phạt từ cấp trên. Cách xử lý thì tùy tình hình mà áp dụng và không có đúng sai áp cho mọi trường hợp, nên là tùy cơ ứng biến bạn nhé.

Có nhưng nốt khá ngang nhưng theo hướng tiêu cực không phải kiểu ngang đã đề cập ở phần những nốt nhạc đẹp và hay nha. Đó là những nốt kiến thức khá hẹp và hạn chế, nhưng lại thích vang to vang nhiều và dẫn tới khó chịu cho những nốt xung quanh. Họ có thể làm bản nhạc khóa học trở nên nhàm chán vì chỉ có một mình nốt này vang lên. Nốt này thường có những âm điệu như là “tôi biết rõ rồi, cái này phải thế này cơ”, “thầy sai rồi, chỗ này phải vậy nè”, “trưởng nhóm bên kia chả biết gì, phần này phải giải thích abc như thế đó”… Nói chung là nhưng nốt này có nguy cơ làm buổi học trở thành một thảm họa và biến thành show “một mình tôi và các cái tôi khác”. Như đã nói ở phần trên nếu và chỉ nếu thôi nhé nốt này thực sự giỏi và uyên bác thì còn đỡ một tí (tất nhiên là chỉ đỡ thôi nhé), có nghĩa là những thứ họ vang lên thực sự hữu ích thì lúc này chỉ cần điều tiết một chút là ổn. NHƯNG nếu nốt này thuộc về vế thùng rỗng kêu to, ếch ngồi đáy giếng thì ôi zời ơi, các nốt khác chắc đúng kiểu đang ngồi yên xe tiết trời Hà Nội 50 độ 🥵 phải giảm bớt, phải hạn chế thậm chí phải có những cách tiếp cận tế nhị nói riêng và gặp riêng khi teabreak và ăn trưa, để hạn chế tầm sát thương của nốt nhạc này (nói chuyện nhẹ nhàng, khen nhiều và đề nghị anh/chị giúp đỡ để các bạn học viên khác có cơ hội được trình bày và trao đổi). Nhớ là đừng chỉ trích thẳng mặt ngay trên lớp nhé, từ vũ khí sát thương cấp độ 1 có thể trở thành bom nguyên tử ngay đấy bạn ạ.

Và cuối cùng hắn muốn nói tới những nốt trung lập không hoàn toàn đẹp, hay nhưng cũng chả xấu và ức chế.

Đó là những nốt theo kiểu đồng đội, những nốt kép mà khi tách riêng ra và phối với nốt lạ thì cực kỳ dở và khó nghe kiểu như đấm vào tai, nhưng khi được kết hợp đúng thì lại tạo nên sự cộng hưởng lẫn những giai điệu và tiếng vang vô cùng êm tai. Đó là những học viên mà đi học theo nhóm theo phòng ban thì đem lại kết quả rất tích cực cả về mặt đánh giá trên giấy lẫn những kết quả sau khóa học. Nhưng chỉ cần tách ra cho đi học riêng thì bỗng trở thành một nốt tệ ngay và luôn. Rồi thì cũng có phòng ban khi kết hợp với nhau thì lớp học rất tù và không bứt lên được, nhưng khi kết hợp với phòng ban khác lại sôi nổi và nẩy số rất nhanh. Rất khó giải thích được trường hợp này, có lẽ là khi được gộp nhóm chuẩn và có người đi học cùng thì việc học sẽ thuận lợi hơn chăng, hoặc cũng có thể là do lý do xyz không chừng ta. Có thể đúng có thể sai, nhưng nói chung là nên ghép một số nốt lại nếu tách riêng ra không ổn bạn nhé, hoặc nếu ghép thì nên ghép các nốt tương hợp với nhau giống như kiểu hát bè ấy.

Vậy thôi hết rồi, hẹn gặp lại trong những chủ đề bơm vá khác của hắn nha. Xin chào bạn!

Leave a Comment