Bơm vá là gì?
Bơm vá là một danh từ do hắn đặt cho cái nghề đào tạo hoặc những thứ liên quan đến đào tạo. Bình thường thì người ta rất ngại dùng từ này và thấy nó mang nghĩa khá là tiêu cực. Nhưng với hắn thì hắn thích nó, hiểu nó và luôn dùng nó cho các hoạt động hoặc bài viết liên quan đến giáo dục và đào tạo. Mà là đào tạo cho người lớn người trưởng thành chứ hông có phải là cho người chưa tốt nghiệp nha. Hắn có một bài viết thiệt dài là dài nói lên những nguyên nhân thích dùng tờ này hơn ở trên blog. Bạn có thể tìm đọc ở link này để hiểu hắn hơn nhé.
Bơm vá làm những gì?
Bơm vá có rất nhiều những việc cần làm nhưng cơ bản là gồm có:
- Thực hiện TNA thu thập thông tin và nhu cầu bơm vá
- Lập kế hoạch và tổ chức các khoá học
- Nhắm học viên nào phù hợp thì bốc vô lớp
- Lựa chọn giảng viên và đề tài
- Điều phối chương trình
- MC đầu và kết khoá
- Trợ giảng (abc xyz nhiều nhiều thứ phát sinh khi hoá học diễn ra)
- Hỗ trợ học viên sau khoá học. Thu thập dữ liệu tình báo về tác dụng của khoá học 😎
- Hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục giấy tờ thanh toán này kia.
- Xây dựng một văn hoá học tập hỗ trợ văn hoá chung của tổ chức
- Truyền thông trước trong sau khoá học
- Giảng dạy nhưng với hắn chủ yếu đánh ở khâu quản lý hơn là thò mắt ra trước làn đạn như các trainer với giảng viên.
- ….Với mấy việc linh tinh lặt vặt nữa
Bơm vá từ phía tổ chức?
Cơ bản đây là những người thuộc bộ phận đào tạo L&D. Bao gồm cả quản lý đào tạo và đội ngũ giảng viên nội bộ. Họ gắn bó rất sâu và rất lâu với tổ chức cũng như những học viên. Nhiều đến nỗi mà trở thành quen mặt như người thân trong nhà. Nhiều khi học viên vừa sợ vừa yêu. Yêu vì tính nết, thói quen và cách làm việc. Nhưng sợ vì điểm danh, kiểm tra và super soi. Đồng thời đây cũng là những người góp phần xây nên những viên gạch đầu tiên của văn hoá học tập, rồi cũng chính họ thu thập xi măng cát, sơn tường từ những khoá học và thành quả của nó để làm bức tường văn hoá tổ chức ngày một cao hơn và lớn mạnh hơn.
Bơm vá ở phía mời chào?
Ngược lại phía trong tổ chức. Thì cũng có những người làm bơm vá ở phía ngoài, phía đối tác. Những người cung cấp giảng viên và nội dung cho các khoá học. Nhưng người mời chào đội phía trên lựa chọn những giải pháp đào tạo khác nhau. Và tất nhiên là nếu gắn bó nhiều thì cũng quen nhưng thường là bên này đi rất nhiều công ty, tổ chức rất nhiều lớp và gặp vô số học viên một mùa. Nên là để nhớ chắc là hơi khó nhưng lại có ưu điểm là luôn luôn mới và lạ, chứ không hẳn quen quen và bụt chùa nhà không thiên như mấy bác trên bị nhìn nhận. Họ không tham gia quá sâu vào vấn đề văn hoá, hoặc nếu có thì dưới dạng hỗ trợ tư vấn hoặc chuyên gia cố vấn chuyên sâu.
Bơm vá nhiều có gây nghiện không?
Có chứ làm nhiều đắm chìm vào thì kiểu gì cũng nghiện. Nghiện không khí lớp, mùi kiến thức, những nụ cười và lời cảm ơn sau khoá học. Nghiện những chia sẻ và những kinh nghiệm được vẽ lên thuyết trình lên trong những bài thực hành tại lớp. Nghiện những tâm tư tình cảm được sẻ chia và bộc bạch trong những lời cuối khi khoá học kết thúc. Và nghiện cả việc nghe kể về những câu chuyện mà học viên họ làm được sau khi rời lớp. Rồi thì những cô gái trợ giảng xinh tươi và đáng mến cũng là một phần gây nên sự say đắm trong các lớp học. Tất cả những điều đó làm nên một chất gây nghiện phê hơn cả cỏ với cần.
Bơm vá cần biết gì?
Tổng kết nhẹ thì người làm bơm vá cơ bản cần:
- Kiến thức về việc học của người trưởng thành.
- Kỹ năng thiết kế bài giảng.
- Kiến thức về lên kế hoạch và tổ chức lớp. Ví dụ mô hình ADDIE chẳng hạn, nhưng thực ra ngày nay thì có vô số mô hình tiên tiến và hại điện hơn.
- Kỹ năng dẫn giảng, pha trò và điều phối game.
- Biết về công nghệ, dùng để xử lý trang thiết bị giảng dạy trong các khoá offline trước đây còn trong thời đại giãn cách như bây giờ thì là sử dụng phần mềm thành thạo.
- Biết lắng nghe, thấu cảm và cười thật tươi những khi trước, trong và sau khoá học đều cần tới.
- Có kỹ năng viết và kiến thức về truyền thông là một lợi thế 🤣 đoạn này viết như dân tuyển dụng ấy
- Có kỹ năng phân tích và tổng hợp số liệu để đưa ra dự báo về các hoạt động đào tạo.
- Biết về quản trị nguồn nhân lực và quản lý tài năng.
- Và kèm một số kỹ năng mềm nho nhỏ như giao tiếp, tổ chức cuộc họp, lãnh đạo quản lý, quản lý dự án…
Bơm vá chắc sướng chỉ cần tổ chức cho người khác học còn mềnh ngồi điểm danh với đếm xèng
Được thế thì đã tốt, trong khi thực tế để có được kinh phí đào tạo, để gom đủ học viên hay để được tổ chức một lớp trong luồng công việc bận rộn hàng ngày của các tổ chức là một chuyện vô cùng khó khăn và gian khổ. Nếu được các boss bật đèn xanh thì không nói làm gì, nhưng nếu đang trong giai đoạn khó khăn, ngân sách hạn chế và đơn hàng thì tắt tị thì đừng có mà mong này kia ý ới gì cả. Rồi việc lựa chọn khoá học, lẫn giảng viên cũng cần tỉ mỉ và thận trọng, nhất là trong cái thời đại chuyên gia thì ít mà chiên da với ma cô thì nhiều như thế này. Một bước đi sai là ngàn năm le lói, nhẹ thì khỏi tổ chức tổ chiếc cái gì mà nặng thì về vườn như chơi.
Chốt bơm vá có nên yêu thương và theo đuổi không?
Có, rất nên vì đây là một công việc cực kỳ thú vị và hấp dẫn. Còn hấp dẫn và thú vị thế nào thì hắn xin phép được dành lại trong một bài viết nào đó sau này nhé 😛