Bơm vá

Công thức 1.2.4 và tất cả mọi người

Nguyên bản là One, Two, Four…All nhưng hắn dịch tạm ra như tiêu đề để bạn dễ hiểu. Đây là một công thức khá cơ bản và có thể đã được áp dụng rất nhiều trong các khoá bơm vá ở khắp mọi nơi. Nhưng nhân dịp hắn vừa hoàn thành một khoá cũng khá hay về Instructional Design trên Linkedin và có một chương nói riêng về công thức này. Mà việc học tốt nhất và giữ được lâu nhất khi bạn viết lại hoặc chia sẻ lại, thế nên hắn viết tạm một vài dòng giải thích về cái công thức cơ bản này, giúp bản thân nhớ lâu hơn và áp dụng nhuần nhuyễn hơn khi cần thiết.

Cấu thành của công thức này gồm mấy phần sau:

  • 1 người
  • 2 người
  • 4 người
  • Và toàn bộ mọi người

Công thức này được dùng để thiết kế ra những học liệu giúp thúc đẩy việc thảo luận nhóm cũng như xây dựng dần từng bước của tư duy cộng tác trong giải quyết vấn đề. Mà thực ra là có thể áp dụng vào khơ khớ thứ khác nhưng tạm thời cứ dùng tạm vào chuyện bơm vá đi đã. Khởi đầu là một đề bài được đưa ra thuộc một phạm trù cụ thể nào đó cần tiến hành thảo luận, khi đó người thầy, người giảng viên hoặc người dẫn dắt sẽ tiến thành theo các bước như công thức

1 Người

Đó là nội dụng được đưa ra sẽ được người tiếp nhận tự nhìn nhận và đưa ra ý kiến riêng của bản thân ra một tờ giấy A4 mà không bị ảnh hưởng của người bên cạnh. Quan điểm đó có thể hợp lý có thể chưa nhưng quan trọng đây là những tư duy nguyên bản và thuần nhất về chủ đề đó của người tiếp nhận, không bị pha tạp và ảnh hưởng từ các bên khác. Đó có thể là những ý tưởng sáng tạo, những giải pháp lạ lùng tự bản thân người tiếp nhận nghĩ ra về chủ đề chính.

2 Người

Sau khi đã có được ý kiến và quan điểm của một người. Lúc này những người tham gia sẽ được kết hợp thành từng cặp ngẫu nhiên để trao đổi với nhau về những ý kiến xoay quanh chủ đề ban đầu trên quan điểm không bài xích, chê bài và phủ định ý kiến của đối phương. Luôn chia sẻ, tôn trọng và cộng hưởng để tìm ra những ý kiến, ý tưởng hay nhất, sáng tạo nhất về chủ đề đó.

4 Người

Từ hai cặp thảo luận phía trên sẽ được kết hợp trở lại thành nhóm 4 người để thảo luận và bàn bạc. Có thể kết hợp 3 cặp 6 người hoặc 4 cặp 8 người nhưng lời khuyên của tác giả là chỉ nên giữ nhóm ở con số 4 để đảm bảo mỗi thành viên sẽ đều được nói, được chia sẻ và đóng góp vào kết quả cuối cùng. Công cụ để viết ra lúc này cũng không dừng ở tờ giấy A4 nữa mà sẽ trở thành một tờ A1 hoặc A0 để có thể viết hết những ý tưởng của các thành viên, rồi còn dán lên bảng hoặc Flipchart ở bước sau.

Tất cả mọi người

Tại bước này khi các nhóm đã thảo luận xong và chốt được phương án cuối cùng về chủ đề ban đầu lên trên tờ giấy to. Một thành viên đại diện hoặc toàn bộ nhóm sẽ lên trình bày lại ý tưởng đó cho toàn bộ lớp hoặc hoặc người tham gia nghe để được nhận xét và bổ sung thêm những ý tưởng hay ho. Tất nhiên vẫn trên quan điểm cởi mở, tự do và tôn trọng những ý kiến khác biệt dù ý kiến trên giấy to có khác lạ và kỳ quái đến đâu đi chăng nữa.

Xuyên suốt quá trình này, người giảng viên hoặc người điều phối sẽ dẫn dắt, đưa ra hướng dẫn và đẩy đi hoặc gỡ xuống những rào cản vô hình được tạo ra do sự khác biệt về suy nghĩ và quan điểm giữa những thành viên trong các cặp, các nhóm tạo ra. Giúp việc thảo luận và tìm ra ý tưởng đột phá, lẫn tiếp nhận kiến thức mới trở nên mượt mà và trơn tru hơn.

Có một phiên bản khác nữa của 1.2.4..All đó là ngoài số người trong từng phiên còn kết hợp thêm thời gian thảo luận. Nghĩa là 1 người 1 phút, 2 người 2 phút, 4 người 4 phút để thảo luận và 5 phút để cả nhóm trình bày.

Có một vài những gợi ý nhỏ để việc thảo luận trở nên hiệu quả hơn được nhắc đến trong một vài hướng dẫn trên mạng như:

  • Sử dụng những hình ảnh minh hoạ để việc thảo luận trở nên dễ dàng và sinh động hơn.
  • Cố gắng chính xác ở thời gian cho mỗi phiên, tránh kéo dài gây nên việc loãng ý tưởng do lan man và rời xa chủ đề chính.
  • Dùng tiếng chuông hoặc đồng hồ bấm giờ để tạo một chút áp lực về thời gian thảo luận nhưng cũng tuỳ tình huống mà áp dụng.
  • Tránh tuyệt đối phán xét, vùi dập hoặc chê bai những ý tưởng được đưa ra. Luôn cởi mở cả về tư duy, thái độ lẫn hành động bên ngoài.
  • Tránh việc ngắt ngang khi người khác đang nói hoặc trình bày, trừ khi việc đó chiếm quá nhiều thời gian trong giới hạn được đặt ra từ đầu. Tất nhiên vẫn có ngoại lệ nếu ý tưởng đưa ra hay ho và đáng được thưởng thêm giờ.
  • Khi gặp những trở ngại và xung đột trong quan điểm và cách nhìn. Hãy để lại, viết ra giấy và để thảo luận sau khi cảm xúc đã hạ nhiệt tránh việc nhảy vào xử đẹp nhau luôn 😁
  • Mỗi thành viên nên và luôn được nói với chia sẻ ý kiến cá nhân dù ít hay nhiều. Tránh tình trạng một người trong nhóm nói từ đầu từ cuối.

Đó là những điểm cơ bản về công thức và cách triển khai nó. Hy vọng sẽ giúp ích cho một ai đó ngoài kia đang tìm kiếm một phương pháp để điều phối và dẫn dắt trong các buổi bơm vá với họp hành, thảo luận.

Leave a Comment