Bơm vá

Câu chuyện các nhà giáo trong viện

Tình cờ thế nào phòng bệnh của người nhà hắn lại có tới tận 4 người làm nhà giáo. Một người vẫn đang công tác trong ngành, một người từng là nhà giáo sau này phụ trách mảng quản lý giáo dục của sở, hiện tại đã nghỉ hưu và hai người còn lại là giáo viên THCS đã nghỉ hưu sớm vài năm về trước. Mỗi người một câu chuyện, một hoàn cảnh nhưng đều khiến hắn khá là chú tâm trong những câu chuyện của họ về cái nghề của trước đây và cuộc sống hiện tại khi đã về hưu lẫn những trăn trở về sự học.

Khó khăn trong việc dạy

Hầu hết các thầy cô giáo kể trên đều đã khá lớn tuổi, có người U60 U70. Trẻ nhất có lẽ là chị U40 vẫn còn công tác trong ngành kia. Thế nên ở thế hệ của họ việc dạy học còn vô vàn những khó khăn và thiếu thốn. Từ cơ sở vật chất trang thiết bị tới cả kiến thức. Nhiều người phải vừa dạy vừa học và vừa chạy đôn chạy đáo đi kiếm ăn thêm bên ngoài vì đồng lương không đủ mức sinh hoạt cơ bản. Có người nghề tay phải là cầm phấn thì nghề tay trái mỗi khi rời lớp học về nhà là bán hàng mã, sáng thì dạy người dương mà tối về thì bán đồ cho người âm. Hắn nghe mà có chút chạnh lòng cho những người làm công việc trồng người, dẫu biết trong xã hội việc một người kiêm nhiệm hai tới ba công việc để trang trải cuộc sống không phải là hiếm gặp. Nhưng sẽ thế nào nếu mỗi người giáo viên có đồng lương thật đầy đủ để tập trung toàn bộ thời gian và trí lực vào công việc cao cả trồng người. Chẳng biết nữa có lẽ đó sẽ phải là một tương lai thật xa khi mà giáo dục nhà mình đã lên tới một tầng cao hơn.

Số lượng tiết rất cao

Mà theo các thầy cô mô tả là cái nghề “đổi phổi nuôi dạ dày“. Có người đảm nhận 28 đến 30 tiết một tuần, một con số quá là khủng khiếp. Mà còn kéo dài trong một thời gian tương đối chứ không phải tập trung vào những đợt cao điểm như trong đào tạo doanh nghiệp. Và mức thù lao cũng kém rất xa khi so với những giảng viên đang hoạt động trong lĩnh vực đào tạo người lớn. Chuyện viêm họng, rát cổ hay là phổi hư do hít bụi phấn thời gian dài là chuyện thường gặp. Ông cụ nhà hắn cũng dính cái món này do hít bụi phấn lâu năm nên hắn rất hiểu về cái thứ “vương trên tóc thầy” này nó nguy hiểm và tàn phá cơ thể như thế nào. Đấy là còn chưa kể tới thời gian chấm bài lúc không có tiết, có người tranh thủ giờ nghỉ trưa, người khác lại lạm vào ngày nghỉ cuối tuần để hoàn thành cho xong những điểm số cho học sinh. Trong phòng có một thầy giáo văn, thầy bảo với toán thì chấm còn nhanh vì cứ chuẩn đáp số là ổn, chứ văn của tôi ấy à cứ phải đọc từ đầu tới cuối. Rồi phê rồi sửa từng câu từng chữ từng lỗi chính tả. Vì sai một tí là học sinh nó bật lại ngay. Mà với những học sinh có chữ gà bới như hắn thì chắc các thầy phải căng hết mắt giãn hết não ra mới đọc xong một bài viết mất 😂

À quên còn một thứ nữa đi kèm với số lượng tiết cao đấy chính là phải đảm đương nhiều môn do thiếu giáo viên, đặc biệt là ở các trường học ở quê. Thầy dạy văn kèm thêm môn sử môn địa, cô giáo toán vác thêm môn giáo dục công dân là chuyện hết sức bình thường. Thành ra ngoài số lượng tiết nhiều, số lượng giáo án phải xây dựng cũng nhiều không kém vì đâu phải chỉ có dạy một môn. Mệt mỏi về tới nhà chỉ muốn nằm ườn ra ngủ tới sáng là tâm trạng chung của các thầy cô khi còn đi làm. Nhưng khổ nỗi còn cả tập bài kiểm tra 15 phút chưa chấm nên lại phải lết dậy chấm nốt rồi muốn nghỉ gì thì nghỉ.

Xuất thân khác nhau

Có người là bộ đội giải ngũ về học cao đẳng rồi được phân công đi dạy. Có người là sinh viên chuẩn chỉ học từ đầu tới cuối rồi ra trường. Nhưng điểm chung là đều dạy ở rất nhiều nơi rồi mới có một địa điểm ổn định. Có người thời gian đầu được phân công tới những làng quê, có người vất vả hơn lên tới tận vùng núi xa xôi. Rồi bằng nhiều biện pháp, phương cách họ dần được chuyển về ngoại ô rồi vào tới trung tâm. Nhưng mức lương thì vẫn ở mức lấy chỗ này đắp chỗ kia, thành ra không có mấy người được gọi là giàu cả. Tất nhiên vẫn có những thầy cô năng động kinh doanh thêm thì cuộc sống có phần khấm khá, nhưng về cơ bản mọi thứ chỉ ở mức “đủ ăn“.

Học sinh và những vấn đề về thành tích

Một vấn đề nổi trội tiếp theo hắn thấy nổi lên trong cuộc nói chuyện giữa họ là về thái độ của học sinh và vấn nạn bệnh thành tích. Hai thứ này có lẽ không còn xa lạ trên mặt báo nữa vì nó đã được đem ra mổ xẻ, phơi bày và bình loạn rất nhiều năm rồi. Học sinh thì theo phụ huynh ở nhà con tôi ngoan lắm, nhưng đến trường không biết vì một lý do gì thì lại nghịch ngợm và siêu phá phách, rồi chuyện bạo lực học đường như mấy hôm vừa rồi báo đài lên sóng cũng là một vấn đề nhức nhối với thầy cô, đặc biệt là những học sinh ở lứa tuổi lớn chả lớn mà bé cũng chẳng còn bé nữa. Rồi chủ đề thành tích lớp, thành tích trường mà khiến các thầy các cô luôn đắn đo khi cho điểm. Cho thấp quá thì ảnh hưởng thành tích chung, cho cao quá thì học sinh dễ bị ảo tưởng về năng lực của mình mà cho chung chung vô thưởng vô phạt thì lại bị ý kiến cho điểm thế thì cần quái gì giáo viên tự tôi chấm cũng được. Thành ra có những mánh đã được áp dụng, khi học và dạy thì cho điểm kiểu đánh giá gần nhất kiểu cho 0 nhưng viết bé để đến cuối năm có thể chỉnh thành 6, thành 9, cho 5 vẫn có thể chỉnh lên 6 nếu thiếu một chút ở môn khác, cho 3 để có thể vẽ nốt thành 8. Nói chung là chỉnh để vẫn đạt chỉ tiêu lên lớp vào cuối năm nhưng hàng ngày vẫn cho học sinh biết trình độ thực của mình ở đâu. Nghe mà đã thấy nhức đầu và khó khăn cho các thầy cô rồi, đúng là căn bệnh thành tích này làm con người ta phải lươn lẹo dù là những nghề cần sự chân thực như nghề giáo.

Nghỉ hưu sớm vì những áp lực khó nói tên

Từ những khó khăn vất vả trên, nhiều người quyết định rẽ ngang bỏ sang nghề khác, nhiều người thì cố đến lúc không thể cố được nữa và xin về sớm. Thầy dạy văn hắn kể phía trên xin nghỉ trước 5 năm với lý do mệt mỏi và không theo được luồng công việc. Còn một cô giáo khác thì viện lý do sức khoẻ, mắt kém không đảm đương được số tiết như yêu cầu nên cũng nghỉ trước 4 năm. Nhưng lý do thực tế thì tới giờ họ mới chia sẻ cùng nhau trong một phòng bệnh mà nghe thôi hắn chẳng biết nên buồn hay nên cười ngớ ngẩn nữa, chi tiết là gì thì xin phép để lại vì dù gì nó cũng là những câu chuyện rất riêng tư và nhạy cảm không cần thiết phải ghi hết ra trong một bài viết như thế này. Có lẽ giáo dục cũng có thật nhiều những câu chuyện bi hài làm người ta xót xa và ai oán. Mà từng đó đủ khiến rất nhiều người tâm huyết với nghề, với nghiệp với học sinh phải rời đi sớm để lại nhiều nuối tiếc chưa thực hiện được cho trường cho lớp.

Thôi thì cuối bài rồi, xin chúc những thầy cô dù đang đứng trên bục giảng hay đã nghỉ hưu thật nhiều sức khoẻ. Bỏ lại hết những thứ chưa vui ngày đó để sống khoẻ sống hạnh phúc cùng con cháu và luôn tự hào về những lứa học sinh mà mình đã từng dẫn dắt và đào tạo!

Leave a Comment