Công nghệ

VNI vs Telex

Mở màn năm 2023 với một bài viết tương đối thuần kỹ thuật. Không có quá nhiều cảm xúc với yêu thích ghét bỏ này kia trong này chỉ có so sánh tương đương trong cách gõ của mỗi anh bạn này mà thôi.

Ưu điểm VNI

  • Gõ tiếng Anh và tiếng Việt đan xen cực kỳ nhanh và đơn giản, không bị hiện tượng bỏ dấu, lấn dấu với cả gõ nhầm. Anh em gõ code rất thích điều này, khi nào cần gõ câu lệnh bằng tiếng Anh thì cứ gõ bình thường, lúc nào cần gõ tiếng Việt thì kéo ngón tay lên trên một chút kết hợp với phím 1 -> 9 là xong.
  • Khá dễ làm quen nếu bạn sinh ra ở miền Nam và được học giáo trình tin học cơ bản trong đó.
  • Ít gặp lỗi hơn với các phần mềm. Cái này hắn không dám khẳng định cho lắm nhưng quả thực từ lúc chuyển sang kiểu gõ VNI hắn chưa gặp lỗi với bất kỳ phần mềm nào gây nên hiện tượng đúp chữ, bỏ chữ. Còn với kiểu telex thì gặp tương đối nhiều rồi. Cũng có thể do xung đột phần mềm gây ra chứ không hẳn do kiểu gõ.

Nhược điểm VNI

  • Gõ số trên laptop không có bàn phím số rời bên phải hơi bất tiện vì 123456789 nay đã được dùng cho sắc huyền hỏi ngã nặng mũ râu trăng và đờ rồi. Nên khi gõ số bạn phải nhấn tới hai lần thì mới hiện ra.
  • Nếu bạn học tin học giáo trình ngoài Bắc thì hầu hết đều theo hệ Telex từ bé nên sẽ tương đối khó để thay đổi thói quen. Như bản thân hắn là một ví dụ, hắn có thể gõ telex cực kỳ ổn cả 10 ngón và tốc độ cũng ở mức trung bình, nhưng gõ VNI thì chậm hơn và đôi lúc vẫn phải nhòm xuống bàn phím. Bạn phải tập lại thói quen đánh dấu, 1 thay cho s, 2 thay cho f, 3 thay cho r, 4 thay cho x, 5 thay cho j, 6 thay cho oo, 7 thay cho ow với uw, 8 thay cho aw, 9 thay cho dd. Và tất nhiên sẽ không còn hai cái khấc thần thánh ở nút f và j để làm mốc nữa. Giờ đây bạn sẽ phải nâng bàn tay lên cao một chút so với kiểu gõ bình thường vẫn quen thuộc.
  • Khá mỏi tay nếu cường độ gõ tiếng Việt nhiều hơn tiếng Anh, đặc biết lúc mới bắt đầu tập kiểu gõ VNI. Cảm giác như lúc nào cũng phải vươn tay hết tầm lên trên thì mới gõ được. Có thể do tay hắn ngắn nên mới có cảm giác này còn với ai có ngón tay dài thì cảm giác này sẽ không tồn tại.

Ưu điểm Telex

  • Nhanh chả phải nghĩ gì vì nó đã ăn vào máu từ thửa dial_up quay số với chat bằng Yahoo messenger rồi. Nhắm mắt không nhìn màn hình vẫn gõ ngon ơ.
  • Thân thuộc với đa số người bình thường có công việc không cần gõ kết hợp cả Anh với Việt và chả cần phải nhớ thêm gì.
  • Đến cả trình gõ tích hợp sẵn trong Win 10 cũng có telex rồi nên không cần phải cài thêm gì nếu chả dùng tới những chức năng nâng cao hơn như chuyển mã hay gõ tắt.

Nhược điểm Telex

  • Gõ kết hợp tiếng Anh và tiếng Việt nhiều lúc chỉ muốn đập bàn phím. Tất nhiên vẫn có thể giải quyết bằng cụm phím Ctrl+Shift nhưng vẫn không tiện bằng thằng VNI ở khoản này. Anh em gõ code mà giao diện viết bằng tiếng Việt thì cứ gọi là bực bội thường xuyên. Rồi thì ai hay phải làm việc và chat với người nước ngoài với người Việt Nam trên cùng một màn hình thì sẽ thấy sự bất tiện của kiểu gõ telex này.
  • Đôi lúc gặp xung đột, nhất là đợt win 10 mới ra. Nhiều người phải cài tới hai ba ừng dụng gõ chỉ để gõ được trên trình duyệt với các phần mềm khác nhau. Nhưng như đã nói ở trên, đây có thể do sự xung đột phần mềm hoặc tính tương thích của hệ điều hành chứ không hoàn toàn đổ lỗi cho bộ gõ được.
  • Nhìn không ngầu 😎 vì bàn tay sẽ dính luôn vào khoảng giữa bàn phím và rất ít khi phải di chuyển.

Với cá nhân hắn thì hiện tại đang dùng kết hợp vì thấy phần ưu điểm của cả hai kiểu gõ đều rất đáng để tận dụng. Như lúc lướt web, hoặc gõ tút trên các mạng xã hội của nước ngoài thì VNI là một cứu tinh, không cần chuyển qua lại giữa Anh và Việt. Nhưng khi gõ blog hoặc viết các đoạn văn dài từ 500 chữ trở lên thì hắn chịu vẫn phải quay về với telex thì mới đảm bảo được tốc độ lướt phím.

Hết rồi.

Leave a Comment