Công nghệ

SSKDT làm hắn nhớ thời sinh viên

Sau hơn một tuần trải nghiệm SSKDT với những vướng mắc và nhọc nhằn riêng. Kết hợp với thói quen đọc bình luận và nhòm cái điểm số đánh giá của ứng dụng này trên Google Play làm hắn chợt nhớ, chợt hoài niệm về thời sinh viên, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, học lập trình và viết App trong các bài tập lớn. Những ký ức đó chợt ùa về và hắn lại viết đôi ba dòng về cái chuyện viết phần mềm này.

Lỗi nhiều như lá rụng mùa thu

Sinh viên mà, kinh nghiệm thì bằng 0 tròn vo như quả trứng gà. Nên mỗi phiên bản phần mềm viết ra thì lỗi là một phần tất yếu của ứng dụng. Nhiều lỗi thuộc về code, nhưng nhiều lỗi thuộc về thuật toán và nhiều lỗi thì liên quan đến dữ liệu, thậm chí là phân tích thiết kế hệ thống từ đầu đã sai lè và chệch đường ray. Nên cứ chạy là kiểu gì cũng lòi ra lỗi. Nhiều lỗi nhỏ thì không tính vì có thể du di cho qua, nhưng nhiều lỗi to như quả trứng đà điểu, cứ rơi vào trường hợp ấy là ứng dụng đơ và khởi động lại. Mà với kiến thức của đám sinh viên trẻ măng hồi đó thì việc sửa lỗi hoàn toàn dựa vào hên xui và dò code, hên mà lỗi nằm gần đầu hoặc cuối thì việc tìm kiếm rất dễ và fix cũng đơn giản. Nhưng mà xui thì thôi đi, có tìm cả ngày cũng không thể nào dò ra được cái lỗi này nó bắt nguồn từ đâu, nhất là những trường hợp mà lỗi xuất phát từ thiết kế hệ thống và dữ liệu ban đầu thì chịu chết. Lúc đấy một là bỏ qua, hai là đưa lên hỏi các trang web về lập trình hoặc sư phụ khoá trên, để các anh tài ở đó đã từng gặp qua chỉ giáo, đặng còn về mà sửa cho phần mềm của hắn.

Xây dựng kịch bản lách bug

Nhưng khổ một cái là nhiều khi lỗi quá khó để mà sửa. Nên đành bỏ qua và xây dựng kịch bản để lách qua nó khi thầy hỏi hoặc kiểm tra. Thường cả nhóm làm bài tập lớn sẽ ngồi liệt kê ra các trường hợp gây ra lỗi hoặc những thông số đầu vào mà cứ nhập là đơ chương trình. Sau khi đã có danh sách những thứ này, cả nhóm sẽ học thuộc và thống nhất không được đả động hoặc nhập những thông số này lúc kiểm tra. Nếu đen quá mà thầy hỏi đúng trường hợp đã liệt kê thì sẽ nói kiểu rất ngây thơ “Ô lỗi này thầy ơi, thầy giỏi thật chúng em test mãi không ra mà thầy chỉ cái ra lỗi luôn” 😂

Test đại khái cho qua

Như đã nói ở trên, việc test ở đây chả có dùng phần mềm gì cao siêu cả. Tất cả hoàn toàn chạy bằng tay và mò bằng nhân phẩm. Nếu việc test trôi qua ngon lành không lỗi lầm gì thì nghĩa là người test nhân phẩm tốt và có khả năng cao trúng xổ sổ trong tháng tới, còn test mà ra cả mớ lỗi thì thôi đi, chúng ta là dân lập trình mà, lỗi là người tình trăm năm 😆. Thế nên hồi đó đám sinh viên coi test như là kiểu có cũng được mà chả có cũng khum sao, vì test thì kiểu gì chả lòi ra lỗi này lỗi kia. Mà lắm lỗi thì phải mài mông sửa cho hết, thời gian đâu mà đế chế với half life. Thế nên vui thì test mà không vui thì kệ, ai đánh KPI đâu mà lo.

Dữ liệu nhập bằng cơm

Khâu quan trọng tiếp theo của việc làm ứng dụng chạy được đó là có dữ liệu. Mà hồi đấy sinh viên mà, đã tham gia công ty quái nào đâu mà có dữ liệu nguồn chuẩn để nạp vào. Toàn là ngồi nghĩ tên cho dữ liệu, tuổi cho dữ liệu và thậm chí vài thông tin cá nhân của dữ liệu. Dùng hết tên của đám bạn trong lớp rồi tới tên của người nhà, mà nhìn vẫn ít ỏi và không đáng tin cậy một tí nào. Thế là cái đám trẻ măng ấy bắt đầu nghĩ tên, chế tên và biến tấu thông tin của dữ liệu. Đủ cái tên lạ như người ngoài hành tinh xuất hiện trong bảng ghi, nhiều thông tin thì trời ơi đất hỡi và theo mẫu kinh điển của ngành lập trình “Lorem ipsum dolor sit amet“. Và toàn bộ khâu nhập liệu đều chạy bằng cơm nhé, chả có máy quét hay là QR code gì cả đâu. Vui thì nhập nhiều mà không vui thì gõ tượng trưng vài dòng dữ liệu cho có. Nên là dữ liệu những dòng đầu có tên của các tác giả thì chuẩn chỉ và đầy đủ lắm, những tới những dòng sau thì tạp phí lù và linh ta linh tinh.

Giao diện thì chuẩn BX

BX ở đây là Bad Experience, chứ không phải UI với UX như ngày nay vẫn được đề cập thường xuyên trên các mặt báo công nghệ đâu bạn nhé. Giao diện thì mỗi trang một thằng thiết kế và sắp đặt nên nó cũng đa dạng như 4 mùa xuân hạ thu đông và trải nghiệm thì tù thôi rồi luôn. Hắn còn nhớ hồi đấy hắn còn lắm nhọt chế thêm cái thanh loading trước khi vào ứng dụng nhìn rất màu mè hoa lá. Đến khi cô giáo hỏi là thời gian loading này là dựa vào đâu? Thì hắn hồi nhiên trả lời “Dạ random giữa 2 và 5 giây thôi cô, chứ ứng dụng nhẹ hều này load tí đã vào thì làm sao nhìn thấy cái thanh màu mè này nó chạy😅” Nói chung cái giao diện hồi đấy mà cho lên Google play thì chắc rate 1 ⭐ toàn tập ngay và luôn ấy chứ.

Code thì một mớ hổ lốn

Nói nhiều về các thứ bên ngoài rồi. Vậy còn nội dung cốt lõi bên trong thì sao? Ý là nhưng dòng code ấy à? Xin thưa với các bạn đấy là một mớ hổ lốn, lộn xộn và như một đống mì spaghetti trộn tương cà hạng ba. Ghi chú ư? Thích thì ghi mà chả ghi thì thôi, đằng nào cũng là code hắn viết mà, ai lại ghi chú cho mình đọc làm gì. Sắp xếp thành từng khối từng cột ư? Thời gian đâu, cứ dồn vào một cục cho đỡ tốn công. Chia nhỏ class với đối tượng ư? Học chưa ấy nhì, à học rồi nhưng viết theo hàm nhanh hơn 😂 Và cuối cùng tối ưu code để sạch, gọn và chạy nhanh ít tốn tài nguyên ư? Đấy là chuyện của dân chuyên, dân gà gô như hắn thì làm làm chi cho tốn năng lượng, mà chắc gì đã biết cách tối ưu cho nó ngon. Cứ phải bày ra nhìn thật dài và đầy màn hình, thầy cô mới đánh giá cao vì chịu khó code chứ. Tổng kết, không nói đến code thì thôi chứ nói đến code thì có mà chửi cái thằng hắn hồi đó cả ngày.

Còn việc cập nhật?

Cơ bản là ứng dụng mà đã chấm điểm xong thì xếp xó và chả bao giờ được sờ đến để cập nhật và chỉnh sửa nữa. Nếu có đi chăng nữa thì hoàn toàn là do ném cho nhóm khác để họ làm bài tập lớn khác và phát triển từ ứng dụng này đỡ phải gõ lại từ đầu hoặc là nâng cấp lên để làm đề tài tốt nghiệp thôi. Còn nói chung là hiếm lắm mới sờ vào để mà tinh chỉnh cho tốt hơn. Tất nhiên không phải tay sinh viên nào cũng thế, hắn biết trong khoá của hắn có vài bạn đã phát triển sản phẩm của mình trong thời gian rất lâu, thậm chí còn đưa nó thành sản phẩm thương mại lúc đã tốt nghiệp và đem bán. Còn với riêng bản thân hắn, những phần mềm ngày đó hắn tham gia viết giờ nằm thật im một góc ở thư mục cũ rích trong máy tính mà mỗi lần đọc lại hắn cứ như đọc ngôn ngữ ngoài hành tinh ý, chứ còn nói gì đến mà lên đời và chỉnh sửa.

Viết vài dòng tâm sự chẳng phải để chê hay phàn nàn gì về ứng dụng SSKDT cả mà chỉ muốn kể lại, nhớ lại và nhai lại cái thời sinh viên của hắn cũng đã từng gõ cọc cạch từng dòng code và lỗi tè le mà thôi.

Leave a Comment