Bộ Office của nhà cửa sổ
Tất nhiên rồi, ai mà chẳng phải cài cái này đầu tiên mỗi lần mua máy mới hoặc cài lại Win cơ chứ. Cơ bản thì có Word, Excel, Powerpoint. Còn như hắn, nhu cầu cao hơn một chút thì có Onenote(ghi chú), Vision(vẽ mô hình), Outlook(nhận và gửi mail) và Project(lập kế hoạch). Hắn cũng đã từng tòm tem với mấy em gái mà nói là tương thích 99% với các anh nhà cửa sổ như Open Office, Liberty Office, WPS Office…. Nhưng không biết có phải hắn đen không mà toàn rơi vào trường hợp 1% còn lại, lúc thì SmartArt lỗi không hiển thị, lúc thì biểu đồ sai lòi rồi mấy công thức tính với tham chiếu toàn lệch. Nói chung là nhu cầu chỉ có đọc không cần chỉnh sửa thì mấy em kia đáp ứng được, hoặc cần giao lưu nhiều thì có bộ office của anh Google cũng tạm gọi là dùng chống cháy. Chứ còn đã làm nhiều, làm sâu thì Office của nhà cửa sổ mới là chân ái. À đấy là còn quên kể thêm em Onedrive, dùng để lưu trữ đám mấy rất tiện cho chia sẻ với backup nếu chả may máy tính hỏng nữa.
EVKey
Chuyên trị để gõ tiếng việt, chuyển đổi font chữ và đặc biệt nhất là lên đời cho mấy tài liệu vẫn còn luyến tiếc thời kỳ của vn.time với vni.time. Hắn đã qua hết cả Unikey, GoTiengViet, thậm chí là bộ gõ tích hợp sẵn trong Win nhưng cuối cùng thì em nó mời là người tình hợp cạ nhất với bộ office phía trên.
SumatraPDF để đọc sách
Hắn chọn phần mềm này vì em nó nhẹ, ít tính năng thừa và quan trọng là cái tên rất gợi nhớ một quyển sách 18 cộng rất hay của Ấn Độ. Ngoài đọc file PDF thì eBook (ePub, Mobi), XPS, DjVu, CHM, Comic Book (CBZ and CBR) cũng không làm khó được em nó. Đây có thể coi là phần mềm hắn mở nhiều nhất trong máy vì thường xuyên phải đọc sách.
GoldenDict
Phần mềm từ điển để tra cứu các từ mới, từ lạ trong tiếng anh. Phục vụ chủ yếu cho các công cuộc cày cuốc sách vở bằng tiếng nước ngoài của hắn kết hợp với bạn Sumatra phía trên.
Ưu điểm của em nó:
- Hoạt động offline không cần mạng vẫn có thể tra cứu từ.
- Linh hoạt trong việc bổ sung các từ điển theo ý thích. Mà thứ này được chia sẻ rộng rãi trên mạng.
- Có thể tra cứu rộng hơn từ các từ điển online mà không cần mở trình duyệt.
- Tính năng thì da dạng xài không hết
- Giao diện cũng tạm ổn, không thực sự đẹp và hơi cổ giống thời kỳ Win 2000
Nhược điểm là nặng máy vì hầu hết các từ điển là nằm trong ổ cứng của bạn và lâu lâu lại treo phát cho vui. À mà em nó cũng ngưng được cập nhật rồi nên trong tương lai không biết có tương thích với Win 11 không thì khá hên xui.
Bộ Adobe chuyên về đồ hoạ nặng
Nào Photoshop, Ilutrastor, Lightroom nói chung là khi nào cần chỉnh sửa file nào chi tiết hoặc nặng thì hắn mới sờ đến bộ này. Còn không thì chủ yếu dùng mấy ở dưới. Hoặc là khi cần chỉnh mấy file đặc thù như PSD, AI không thể mở tốt và đầy đủ trên các phần mềm khác. Hắn thì dừng ở mức biết dùng và đủ dùng chứ chưa đạt đến cảnh giới thánh Photoshop nhé.
Bộ vài phần mềm chỉnh ảnh nhẹ với linh tinh
Faststore image viewer, Polarr, Phototastic dùng khi cần chỉnh ảnh nhanh, thêm icon, thêm khung và thêm một vài chữ nho nhỏ. Ưu điểm là mở là lên, vài cái nhấn là ra tác phẩm hoàn thiện. Nhược điểm là ảnh xuất ra thường chỉ dùng để cho lên Facebook chứ không thể nét căng như bộ của nhà Adobe phía trên.
Phần mềm tường lửa và diệt virus Avast
Khá là cần thiết nhất là trong thời kỳ một mét vuông trên mạng thì cả đống lừa đảo. Chưa kể còn có sự rình rập của cái đám Ransomware biến file trong máy thành rác với một cái thư ngỏ xin tí xèn nữa chứ. Nên cứ tự bảo vệ mình là hơn lúc mất rồi chả biết kêu ai. Có em nó trong máy thì khi có bất kỳ mối nguy hiểm nào rình rập và đe doạ đến an nguy của dữ liệu trong máy tính thì đều bị chặn đứng và thông báo ngay và luôn cho bạn.
Phần mềm để download
Cả trực tiếp lẫn thông qua torrent. Trực tiếp thì có Free Download Manager, còn tải torrent thì có Qbittorrent. Nói chung là hai thằng này đủ để bạn lên trời xuống biển và lấy hết thứ mình cần trên mạng. Tất nhiên để so với một vài thằng trả tiền như IDM thì hơi kém một chút. Nhưng với hắn thế là đủ dùng và không phải lo crack nhiều.
Một vài phần mềm tiện ích
- Articulate Storyline, Ispring suite: Hai cái tên có lẽ đã quá quen thuộc trong việc thiết kế bài giảng tương tác điện tử với giới bơm vá. Mỗi cái có một ưu điểm và nhược điểm riêng mà trong khuôn khô kiểu liệt kê của bài viết lần này hắn chưa thể kể chi tiết được. Chắc là sẽ có một bài dài như sớ sau này nói riêng về hai em nó bạn nhé.
- WAMP: Dùng để giả lập máy chủ Apache với MySql và triển khai thử nghiệm một số thứ như WordPress, Moodle LMS tại máy tính mà chưa cần đưa lên trên host.
- Notepad++: Chủ yếu để soi code và chỉnh sửa mấy thứ nho nhỏ tải lên máy chủ giả lập ở phía trên. Không quá chuyên sâu nên hắn cũng chả cần cài đến cái IDE to nặng làm gì.
- SMPlayer: Xem phim, dạo này khá ít dùng vì toàn xem trực tuyến.
- Filmora X: Phần mềm chỉnh sửa và biên tập video, khá nhiều hiệu ứng và icon đẹp để bạn tinh chỉnh những thước phim của bản thân.
- Bandizip: Để giải nén mấy cái file zip rar tải từ trên mạng về.
- Money Kepper: Quản lý xiền trong ví với trong ngân hàng.
- Folder Merger: Gộp các file từ nhiều thư mục lẻ vào một chỗ.
- FreeStopwatchPortable, FreeTimerPortable: Bấm giờ dùng trong hoạt động của các khoá bơm vá.
- Hlsdl-release: Chuyển đổi và tải mọi thứ, cả những chỗ không cho tải. Nhưng không có giao diện đồ hoạ mà phải gõ dòng lệnh trên dos.
- Keyboard & Mouse Simulator, Mini Auto Clicker: Tự động hoá một vài thao tác nhàm chán hàng ngày như click liên tục vào một chỗ chẳng hạn.
- Advanced Renamer: Chuyên trị dùng để đổi tên file, thống nhất tên file về một mối một chuẩn.
- EaseUS Data Recovery Wizard: Phục hồi dữ liệu, chưa có dịp dùng đến nhưng vẫn để trong máy lúc cần thiết.
- Extreme Picture Finder: Tải sạch mọi tài nguyên mà một trang sở hữu. Kiểu bóc lột đến từng lớp cuối cùng ý.
- FilelistCreator: Liệt kê danh sách tên file trong một thư mục.
- FixAttrb: Hàng của nhà anh TNT, nhưng dùng ngon vãi ra, chuyên để hiện lại các file bị virut ẩn mất.
Rồi một vài phần mềm nho nhỏ nữa nhưng hắn mỏi hết cả tay vì gõ và copy rồi. Nên dừng ở đây bạn nhé😴