Công nghệ

Mạng xã hội Trung Quốc có gì?

Hắn thì hay có tính mày mò đăng ký kiểu trải nghiệm kiểu cưỡi ngựa xem hoa những mạng xã hội lạ và hay ho, chứ nói thực cũng chả gắn bó với thiết tha gì với những mạng sống ảo dạng này. Và lần này hắn chọn một quốc gia mà ngày nào trên tivi cũng nhắc tới, nếu không muốn nói là cứ có bản tin thời sự là có tên trên bản dẫn của các MC. Và vẫn với tiêu chí, đăng ký để thử và trải nghiệm chứ cũng không có ý sẽ tìm hiểu quá sâu về tình hình kinh tế chính trị xã hội bên đó làm gì. Nên bài viết này thuần túy chỉ nhận xét về nội dung cũng như một số mặt kỹ thuật của các mạng xã hội này mà thôi. Giống cái bài mà hắn là viết về hai mạng xã hội nhà ta hồi lâu lâu trước đây, chả nhớ là 1 hay 2 năm trước nữa. Mạng xã hội lần này hắn thử nghiệm là Weibo một cái tên cũng khá nổi bên đó. Muốn thử thêm QQ, Wechat với Douyin nữa nhưng không có cách nào đăng ký mà không sở hữu số điện thoại với ID Trung Quốc cả nên hắn đành bó tay, chỉ dừng lại đánh giá ông lớn Weibo kèm người anh em đồng hao Baidu hay còn được dân mạng gọi vui là “Google tùng của lả“. Thành ra có thể bài viết này sẽ không đại diện được hết những tính năng cũng như nội dung của các mạng xã hội bên đó. Ok xin phép vào luôn.

Video chất lượng

Thực sự phải đánh giá rất cao những nhà sáng tạo nội dung bên đó. Chất lượng các video đa dạng, hay và được đầu tư về mặt quay dựng lẫn âm thanh đều rất chỉnh chu, điều mà sẽ đập ngay vào mắt người dùng từ những phút giây đầu tiên thử nghiệm Weibo. Các video với chất lượng 2k 4k nhiều như nấm, mỗi tội máy hắn yếu như sên chỉ dám xem ở 1080p thôi. Và không hiểu là có sự can thiệp hay ưu tiên cho các mạng xã hội nội địa hay không mà một vài video của Điền Tây Tiểu Ca xem trên này nét hơn, rõ hơn và cập nhật sớm hơn xem trên Youtube một khoảng rất sẽ nhận ra ở số lượng video cũng như chất lượng hiển thị. Nhưng điểm trừ là phụ đề không có tiếng anh lẫn tiếng việt nên chỉ có thể xem hình đoán chữ. Nhiều video ca vũ được quay khá ảo diệu mà bản trên Youtube đúng kiểu bị tải về rồi đăng lại chứ không sắc nét như bản gốc, nhiều kênh chính chủ trên Youtube để mốc méo cả năm không thèm đăng gì còn bên Weibo này vẫn cập nhật thường xuyên. Rồi thì các nhân vật chính trong các clip này cũng chém gió tiếng tàu nhiều hơn, hoặc có thể là các trợ lý làm việc đó nhưng có vẻ mọi bình luận đều có trả lời chứ không đìu hiu như bên Youtube hoặc có thể hắn đoán bừa rằng mấy nhà sáng tạo nội dung này cũng không giỏi tiếng anh cho lắm nên cứ tiếng mẹ đẻ mà chém cho dễ. Tất nhiên cũng có nhưng clip mờ tịt như quay từ thời Napoleon chứ không phải cái cũng fullHD với 4k cả. Phải thừa nhận là thế, nhất là những clip tự quay bằng điện thoại hoặc webcam dài dài kiểu như họ đang livestream thì phải. Vì nó mờ mờ và thời lượng cả tiếng, nội dung thì bán hàng có, tâm sự có, múa hát có, ăn uống nhai nhóp nhép cũng có. Nhưng nói chung nhiều vô số kể xem chả bao giờ hết, nhưng nếu so về số lượng các clip ngắn dưới 1 phút thì Weibo không phải lựa chọn tối ưu bằng Douyin. Nhưng bên kia thì có đăng ký được thì cũng bị cắt hết tính năng nếu không có SĐT và ID bên đó. Nghe nói hồi trước thì vẫn thoải mái nhưng trên Quora thiên hạ đồn rằng từ đầu 2020 bắt đầu xiết chặt lại và không cho đăng ký thoải mái nữa nếu không sinh sống và làm việc tại Trung Quốc. Hơi đáng tiếc một chút, có lẽ hắn sẽ tìm hiểu thêm cách vượt rào trong tương lai, còn hiện tại tạm ổn và khá hài lòng với những gì đồng chí Weibo này cung cấp.

Đọc chả hiểu gì toàn phải google dịch

Đây là điểm trừ cực lớn với các mạng xã hội nội địa, hầu như cực ít hoặc nếu không muốn nói là chả có một tí tiếng anh nào để mà mày mò, tất cả đều là chữ tượng hình làm hắn hoa cả mắt. May là các trình duyệt bây giờ đều tích hợp tính năng dịch cả trang vào rồi, nên chỉ cần một cái kích chuột là toàn bộ trang đó được dịch sang tiếng anh hoặc tiếng việt tùy lựa chọn. Nhưng đánh đổi lại điều đó là giao diện bị vỡ hết, nhìn cực kỳ xấu và hấp diêm thị giác. Thế nên chỉ lúc nào không hiểu cái thông báo nói gì hoặc tính năng nào hắn chưa rõ sợ chọn nhầm lại bị văng khỏi tài khoản thì lại mất công đăng nhập trở lại thì hắn mới dịch. Còn không thì cứ lựa chọn theo bản năng và trí nhớ. Cũng may nhiều mục có biểu tượng bên cạnh, không cần biết tiếng tàu thì nhìn hình cũng đoán được mục đó trỏ tới đâu rồi.

Đăng nhập cực rắc rối

Như đã nói ở trên, đã đăng nhập vào rồi thì tốt nhất nên nhớ lại và không nên đăng xuất ra hoặc đổi trình duyệt làm gì. Vì đăng nhập lại rất tốn thời gian và công sức. Không hiểu sao họ lại làm ra cái tính năng cà rốt cỡ vậy. Nhưng hắn đoán có lẽ là để kiểm soát người dùng, để biết IP nào từ trong nước và IP nào tới từ nước ngoài. Thế nên mỗi lần đăng nhập một là phải quét QR từ ứng dụng đã cài sẵn trong điện thoại hoặc nhận một tin nhắn 6 số về điện thoại, đôi khi lại là một cuộc gọi có máy đọc cho mình 6 số đó bằng tiếng Việt. Nhưng khổ cái ứng dụng trên điện thoại thì toàn bắt đăng nhập bằng số đầu 086, còn các đầu số khác sẽ hiện thông báo rủi ro về an ninh cái khỉ gì đó. Còn nhận mã qua tin nhắn thì khá hên xui, lúc gửi lúc không và khi thử quá số lần thì mời bạn hôm sau quay lại thử tiếp. Thành ra một vòng luẩn quẩn cực kỳ khó chịu khi đăng nhập. Đã đăng nhập được vào thì theo hắn tốt nhất nên ở yên trong đó và tận hưởng nội dung, còn lâu lâu bị đẩy ra thì đành đăng nhập lại theo độ may mắn của nhân phẩm vậy. Hắn vẫn chưa tìm được ra cách khắc phục sự bực mình này, nhiều người nói là nếu dùng trong nội địa và có số điện thoại đầu 086 thì không bị hiện tượng này. Nhưng mà kiếm đâu ra, nếu có thì hắn đã lấy đăng ký QQ với Wechat rồi. Mà dùng dịch vụ thì mức giá chát phải biết, nhận mỗi tin nhắn báo về mà thịt 200 cành thì bố ai dám xài, có cụ còn đang giao bán tài khoản đăng ký sẵn chỉ việc xài với mức giá 600k tới 800k đúng là sư tử gặm mà.

Màu mè

Đây có lẽ là nhận định đầu tiên khi bạn tiếp xúc với các mạng xã hội kiểu này tại Trung Quốc. So với Facebook hay Twitter đi theo trường phải đơn giản, màu sắc thường là đơn tính thì các mạng xã hội ở Trung thiên khá nhiều về màu nóng, đa sắc và hoa lá cành, Nhìn thì cũng ok thôi chả vấn đề gì, thêm nữa tính tùy biến khá cao và không cần phải cài thêm extension nào cả. Nếu như ở Face bạn muốn tinh chỉnh giao diện thì chắc phải động tay động chân cài thêm script, còn bên này thì chỉ cần dùng các công cụ có sẵn là đủ tạo nên một trang cá nhân đậm chất tôi rồi. Tất nhiên để mà thiết kế nhìn chuyên nghiệp hơn thì vẫn cần lên VIP, thì lựa chọn về màu sắc, hình ảnh sẽ đa dạng hơn. Nhưng nếu mà so sánh trực diện với người anh em Nga ngố mà đại diện là VK với OK thì độ xến xúa và màu sắc nổi trội chưa là gì. Nhìn vẫn rất người lớn, chứ mấy icon và giao diện của ông anh phía trên đúng kiểu vừa viết code với thiết kế mà vừa nốc Vodka vậy.

Gần như không có 18+

Tại sao lại dùng chữ gần như thì hắn thử tra cứu một vài từ khóa nhạy cảm thì đều nhận về một câu là từ khóa này thuộc về chính sách không hiển thị nội dung trong tìm kiếm <- dịch hơi ngu do dùng google. Thành ra mọi thứ khá là nghiêm túc và chuẩn chỉ hắn đánh giá so với ông VK với OK của Nga thì phù hợp với văn hóa Á Đông hơn. Còn để mà nói có 18++ hay không thì nó lại thuộc phàm trù khác, ở một chỗ khác và một bài viết về chủ đề khác rồi. Nhưng cơ bản thì ổn về phần nội dung nếu dành cho các bé có thể dạo chơi mà không cần quá quan tâm về những nội dung 18+. Hở hang 15+ thì cũng ở mức chấp nhận được nhưng không quá nổi bật bằng những nội dung được đầu tư bài bản nên hình như là chìm nghỉm, nên thời gian hắn trải nghiệm không thấy trồi lên nhiều.

Chất lượng ảnh cực tốt

Không hiểu họ dùng thuật toán tối ưu kiểu gì nhưng so sánh ngang hàng với Facebook bị bóp mồm bóp miệng khi đăng ảnh lẫn video, làm bao anh chị em làm truyền thông phải đoán độ phân giải luận thuật toán với khung giờ để đăng lên cho nét nhất thì bên này họ thoáng hơn rất nhiều. Ảnh nét, tải về vẫn giữ nguyên được chất lượng chứ không phải vỡ nát như các nền tảng khác mà hắn hay dùng. Thực sự là khá tò mò về cách họ xử lý hình ảnh, lưu trữ và tối ưu để vẫn cho người dùng tải về ảnh chất lượng nhưng không làm chậm tốc độ của toàn bộ website. Nhìn qua thì có vẻ họ băm ảnh gốc thành nhiều kích thước khác nhau, và sẽ đẩy ảnh tối ưu nhất trên thiết bị đang xem. Còn ảnh tải về thì gần như sẽ tiệp cận ảnh gốc. Vì hắn thấy ảnh tải về dung lượng khoảng 7.14MB, độ phân giải 5140×8192 không phải là quá lớn với các thiết bị chụp hình ngày nay, nhưng vẫn rất rõ nét ngay cả khi phóng to lên 300%. Hắn có gộp hai tấm lại bằng Canva-dạng tài khoản miễn phí để bạn dễ hình dung. Thành ra hắn trộm nghĩ, đây chắc sẽ thành một nguồn tài nguyên phong phú dùng làm stock trong tương lai đây. Tất nhiên cũng phải nghĩ tới vấn đề bản quyền nữa.

Anh tai ve tu Weibo
Ảnh tải về từ Weibo

Vấn đề bản quyền có lẽ là hên xui

Vì sau khi hắn ngó ngang ngó dọc thì xin phép đưa ra một kết luận rất rất nửa vời đó là hắn thấy nhiều bài nhạc, video và hình ảnh các nền tảng khác sẽ đánh dấu hoặc gắn cờ tác giả nhưng ở đây thì có vẻ là không quá được chú trọng. Tất nhiên với những ngôi sao nổi tiếng tại lục địa hay các tiểu hoa đán trên màn ảnh thì hình cứ AI nó cũng tự nhận diện và hiển thị người trong ảnh cũng như link tài khoản gốc. Những tài khoản này dễ dàng được nhận diện thông qua tick xanh vàng đỏ da cam, mà hắn chả hiểu phân cấp ra sao, hình như là dùng chung một chuẩn được nhà nước cung cấp hay sao ý vì hắn thấy dù các mạng xã hội khác nhau ở tàu nhưng mấy cái tick xanh vàng đỏ này đều y hệt nhau về hình dáng và kích thước. Không biết với người bình thường thì tính năng này có hoạt động không nữa, nếu không thì hì hì …😎 giống câu cuối ý trên.

Phải tìm kiếm bằng tiếng Trung thì mới hiệu quả

Để có thể khai thác tốt nhất những nội dung trên này có lẽ bạn phải dịch qua từ khóa muốn tìm kiếm sang tiếng Trung bản giản thể chứ còn tìm bằng tiếng anh thì vô vọng, thậm chí còn chả hiện tí nội dung nào. Không hiểu sao lại vậy, trong khi các bài đăng thì vẫn thấy có những bài có tiếng anh nhưng lại không hiển thị trên nội dung tìm kiếm. Có lẽ là thuật toán của họ ngu ngu giống bộ máy tìm kiếm của Facebook chăng😏, hắn chả tin có thể đã có chút xử lý để đảm bảo chỉ nội dung được viết bằng tiếng hoa mới được ưu tiên. Đoán bừa thôi vì ai cho hắn chui vô mã nguồn gốc đâu mà xem với chả phân tích.

Bài dài quá rồi, mà cũng mới trải nghiệm đôi hôm nên xin chốt một câu để kết thúc bài viết đánh giá này:

YÊU QUÁI bên này hơi nhiều và nhan nhản,
hỏi sao thánh tăng phải đi thỉnh kinh 😍

Leave a Comment